Giới thiệu  |   Liên hệ   | 
Loading...

 THÔNG TIN LIÊN HỆ

 Văn phòng UBND huyện Phú Thiện
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Ngọc Ngô - Phó Chủ tịch TT UBND huyện Phú Thiện
Giấy phép số: 
Địa chỉ: 05 Quang Trung, thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3 882 226 - FAX: (0269) 3 882 237
Email: ubndphuthien@gialai.gov.vn

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình bán trú

25/03/2018
Sáng ngày 22/3/2018, tại Hội trường chung huyện Phú Thiện; Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Gia Lai đã chủ trì, phối hợp với UBND huyện Phú Thiện tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình bán trú. Chủ trì hội nghị có ông Huỳnh Minh Thuận - Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo; ông Đỗ Ngọc Thành - Tỉnh ủy viên - Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện; ông Nguyễn Ngọc Ngô - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện; đại biểu tham dự: về phía lãnh đạo tỉnh có bà Ayun H’ Bút - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch HĐND huyện, bà Trần Ngọc Chí - Tỉnh ủy viên - Chánh văn phòng Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo các ban, ngành của tỉnh, các phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Giáo dục & Đào tạo; đến dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, cùng đi có lãnh đạo Phòng Giáo dục & Đào tạo, hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học của 16 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; tham dự hội thảo về phía đại biểu huyện Phú Thiện có Thường trực HĐND huyện, đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, hiệu trưởng các trường học Mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện và Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn.

Tại hội thảo, Ủy ban nhân dân huyện đã thông qua báo cáo chia sẻ việc thực hiện xây dựng mô hình trường bán trú đặc thù của huyện Phú Thiện năm học 2017-2018. Theo báo cáo, những năm qua, được sự quan tâm của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai; sự chỉ đạo, sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức Hội, Đoàn thể, sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn và sự cố gắng của cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục, công tác giáo dục & đào tạo của huyện Phú Thiện đã có những phát triển đáng kể. Mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản đảm bảo; chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên; tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, tỷ lệ huy động trẻ em đúng độ tuổi đi học tăng qua các năm; công tác xã hội hóa giáo dục ngày càng được nhân dân quan tâm, đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, so với các huyện khác trong tỉnh, ngành giáo dục của huyện Phú Thiện còn nhiều khó khăn, hạn chế: Chất lượng giáo dục chưa cao, tỷ lệ học sinh chưa hoàn thành ở bậc tiểu học, học sinh yếu kém ở bậc THCS còn cao; khoảng cách chênh lệch chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn còn khá lớn; tình trạng học sinh bỏ học, nghỉ học theo mùa vụ tại các trường học có đông học sinh DTTS vẫn còn nhiều; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia còn thấp.

Nhằm để nâng cao chất lượng giáo dục, duy trì sĩ số học sinh ở các bậc học, thu hẹp khoảng cách chênh lệch chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn trên địa bàn huyện; một trong những giải pháp căn cơ nhất, huyện đã xác định huyện đã xây dựng Kế hoạch thực hiện mô hình bán trú, 02 buổi/ngày theo đặc thù của huyện.
Trong năm học 2017 – 2018, mô hình bán trú đặc thù của huyện đã được triển khai 11 trường học với 947/4.876 học sinh được ăn bán trú tại trường. Việc tổ chức ăn trưa, nghỉ trưa tại trường cho học sinh bước đầu còn bỡ ngỡ, chưa quen đối với học sinh cũng như giáo viên; tuy nhiên, hiện nay công tác ăn trưa, ngủ trưa tại trường đã dần dần đi vào nề nếp, ổn định. Các vật dụng phục vụ công tác nấu ăn, phục vụ ăn, ngủ của học sinh cơ bản đảm bảo. Các cơ cơ quan, đơn vị, đoàn thể, chính quyền địa phương trong toàn huyện đã hỗ trợ kinh phí, vật dụng, gạo, nhu yếu phẩm để các trường học thực hiện việc tổ chức bữa ăn trưa, nghỉ trưa tại trường học học sinh. Các trường học đã vận động xã hội hóa được hơn 90 triệu đồng tiền mặt, gạo và các đồ dùng cần thiết. 11/11 trường đã tổ chức trồng, chăm sóc vườn rau xanh phục vụ cho công tác bán trú, 100% các trường không mua rau bên ngoài. Huyện đã đầu tư 415 triệu đồng để xây dựng sửa chữa nhà bếp, khoan giếng, lắp đặt hệ thống nước sạch, đồ dùng lớn mua sắm tập trung; Tỉnh Đoàn hỗ trợ xây dựng 04 phòng ngủ cho học sinh tại trường TH Nguyễn Văn Linh xã Ia Ake. Sở Giao thông Vận tải hỗ trợ xây dựng 01 nhà ăn tại trường PTDTBT TH Nay Der. Kết quả đạt được: So với cùng kỳ năm học 2016-2017, chất lượng giáo dục môn Toán, tiếng Việt, Ngữ văn của các trường thực hiện mô hình bán trú đặc thù của huyện đã tăng lên đáng kể; chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn được thu hẹp, số lượng học sinh bỏ học giảm rõ rệt; hạn chế tình trạng học sinh nghỉ học theo mùa vụ.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc tổ chức mô hình bán trú đặc thù vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định như: năm học 2017 - 2018 là lần đầu tiên huyện triển khai tổ chức thực hiện mô hình trường học bán trú đặc thù của huyện nên còn nhiều bỡ ngỡ và khó khăn, vừa làm, vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệm. Một số địa phương và cơ quan, đơn vị thời gian đầu chưa kịp thời hỗ trợ theo nhiệm vụ được giao, ảnh hưởng đến công tác tổ chức ăn, nghỉ trưa cho các trường học (Huyện đoàn mới chỉ hỗ trợ 02/11 trường). Do công tác vận động bước đầu còn khó khăn, sự hỗ trợ không phải một lúc là có được đầy đủ. Phòng ăn, phòng ngủ trưa chưa có riêng biệt còn lồng ghép, tận dụng cơ sở vật chất hiện có nên chưa thực sự đảm bảo; đặc biệt đối với học sinh THCS cần có phòng ngủ tách riêng học sinh nam, học sinh nữ. Tất cả các trường thực hiện mô hình bán trú chưa bố trí kinh phí hỗ trợ chi trả tăng giờ cho giáo viên dạy học buổi thứ 2. Một số trường học thực hiện mô hình bán trú có số lượng đội ngũ giáo viên, nhân viên chưa đủ theo quy định.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Đỗ Ngọc Thành - Tỉnh ủy viên - Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện nhấn mạnh giáo dục, đào tạo giữ vai trò đặc biệt quan trọng đến sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Xác định được tầm quan trọng của công tác giáo dục, đào tạo huyện Phú Thiện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan, đơn vị trường học thực hiện tốt nhiệm vụ đã đề ra. Để giải quyết được những tồn tại hạn chế của ngành Giáo dục, nhất là tìm ra giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa tình trạng học sinh nghỉ học, bỏ học đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số. Một trong những giải pháp căn cơ nhất mà Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện xác định đó là cần phải tổ chức thực hiện mô hình bán trú đặc thù của huyện.

Tại Hội thảo, đa số các đại biểu tham dự đều đánh giá cao những kết quả khả quan bước đầu của mô hình, cụ thể: bà Trần Ngọc Chí - Tỉnh ủy viên - Chánh văn phòng Tỉnh ủy đánh giá bước đầu chất lượng dạy học của 11 trường bán trú Phú Thiện có chuyển biến tích cực, nhất là chất lượng học các môn Toán, tiếng Việt, Ngữ văn đã được nâng lên đáng kể; giảm được chênh lệch giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn. Việc duy trì sĩ số học sinh được đảm bảo; bà chia sẻ đây là tiền đề, cơ sở để các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Gia Lai tổ chức hiệu quả mô hình bán trú đặc thù nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, duy trì sĩ số học sinh ở các bậc học, thu hẹp khoảng cách chênh lệch chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh; đồng thời, bà mong muốn huyện Phú Thiện sẽ tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ để các địa phương trong tỉnh học tập, nhân rộng mô hình này trong thời gian tới. Bên cạnh đó, bà Ayun H’ Bút - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch HĐND huyện cũng đánh giá cao giá trị nhân văn mang lại của mô hình bán trú đặc thù của huyện cho các em học sinh thuộc nhóm yếu thế trong xã hội như gia đình hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhà ở cách xa trường nhưng không thuộc diện hỗ trợ của Nhà nước, mô hình này góp phần duy trì sĩ số học sinh, hạn chế học sinh bỏ học và từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng dạy học, nhất là với học sinh dân tộc thiểu số; đồng thời, bà mong muốn sau Hội thảo này, các địa phương trong tỉnh sẽ có nghiên cứu kỹ hơn, vận dụng mô hình vào điều kiện thực tế của địa phương để mở rộng triển khai mô hình bán trú trong các năm học 2018 - 2019 và các năm học tiếp theo.

Phát biểu bế mạc hội thảo, đồng chí Huỳnh Minh Thuận - Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong lĩnh vực giáo dục huyện Phú Thiện; đặc biệt là việc tổ chức thành công mô hình bán trú đặc thù. Đồng chí khẳng định: những thành tích mà ngành Giáo dục & Đào tạo đạt được là kết quả của sự tiếp tục đổi mới trong công tác quản lý của ngành Giáo dục & Đào tạo; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đồng tình ủng hộ của nhân dân các dân tộc huyện Phú Thiện; đây còn là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của các em học sinh, sự dạy dỗ tận tình, trách nhiệm của các thầy, cô giáo. Đồng thời, đồng chí cũng yêu cầu trong năm học 2017 - 2018 và những năm tiếp theo, bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên, ngành giáo dục - đào tạo huyện cần tập trung làm tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về chủ trương xã hội hóa giáo dục để thực hiện mô hình bán trú theo đặc thù của huyện; kêu gọi các mạnh thường quân, quan tâm hỗ trợ kinh phí để xây dựng phòng ăn, bàn ăn, chỗ ngủ cho học sinh tại các trường bán trú theo mô hình đặc thù của huyện; hỗ trợ nhu yếu phẩm để duy trì tốt mô hình này và phát triển rộng nhóm đối tượng để tiến tới tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa phương pháp giảng dạy và công tác quản lý để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 21/4/2016 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác huy động học sinh đến trường và hạn chế tình trạng học sinh bỏ học trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp. Rà soát lại cơ sở vật chất, đồ dùng thiết bị dạy học, xây dựng kế hoạch lộ trình đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Ưu tiên các trường nằm trong lộ trình xây dựng trường chuẩn Quốc gia, xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, coi trọng việc hình thành và phát triển đội ngũ, đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; mỗi trường học là môi trường tốt nhất để các em học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức và thể chất để trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Sau khi kết thúc phần tham luận, trao đổi kinh nghiệm, các đại biểu đã chia thành 03 đoàn đi tham quan thực tế các trường học thực hiện mô hình bán trú đặc thù của huyện Phú Thiện; trực tiếp phỏng vấn Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, giáo viên và học sinh tại các trường để làm rõ những vấn đề trong việc triển khai thực hiện mô hình bán trú đặc thù./. 
 
Thanh Huyền
 Văn phòng HĐND - UBND huyện

Chuyên mục