Giới thiệu  |   Liên hệ   | 
Loading...

 THÔNG TIN LIÊN HỆ

 Văn phòng UBND huyện Phú Thiện
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Ngọc Ngô - Phó Chủ tịch TT UBND huyện Phú Thiện
Giấy phép số: 
Địa chỉ: 05 Quang Trung, thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3 882 226 - FAX: (0269) 3 882 237
Email: ubndphuthien@gialai.gov.vn

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền định hướng dư luận xã hội trên địa bàn huyện

25/05/2018
Nhằm giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện hiểu rõ bản chất vấn đề quan tâm, bảo đảm an ninh trật tự, tránh gây hoang mang trong dư luận, Ban tuyên giáo Huyện ủy đã phối hợp với ngành chức năng biên soạn tài liệu định hướng tuyên truyền liên quan đến Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gửi các tổ chức cơ sở Đảng, các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong toàn huyện.

Về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt:
Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (sau đây gọi tắt là Đặc khu) quy định về quy hoạch, cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan Nhà nước tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Đây là dự thảo Luật quan trọng, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Mục đích của việc xây dựng dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nhằm tạo thể chế đột phá, ưu đãi vượt trội, đủ sức cạnh tranh thu hút đầu tư với khu vực và quốc tế, tạo động lực phát triển cho các đặc khu, lan tỏa đến các vùng kinh tế và cả nước, góp phần phát triển kinh tế đất nước nhanh, bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng, trình Quốc hội Dự thảo Luật, với tinh thần nghiêm túc, công phu, thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm quốc tế, áp dụng phù hợp với điều kiện nước ta trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp, bảo vệ an ninh, quốc phòng và chủ quyền quốc gia.Tuy nhiên, đây là dự án Luật mới, chưa có tiền lệ nên một số nội dung của dự án Luật còn có nhiều ý kiến khác nhau. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và cử tri, ngày 08/6, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội lùi thời gian thông qua Luật.
 
Luật An ninh mạng: 
 
Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 điều vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Luật quy định về nguyên tắc, biện pháp, nội dung, hoạt động, điều kiện bảo đảm triển khai công tác an ninh mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia không gian mạng và hoạt động bảo vệ an ninh mạng. Mục đích việc ban hành Luật An ninh mạng nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về an ninh mạng theo hướng áp dụng các quy định pháp luật đồng bộ, khả thi. Phát huy các nguồn lực của đất nước để phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, góp phần bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh, phù hợp với luật pháp Việt Nam và luật pháp Quốc tế…

Các thế lực thù địch, đối tượng cực đoan xuyên tạc:

Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được Quốc hội bỏ phiếu thống nhất lùi lại với tỷ lệ 85,63%; Luật An ninh mạng được Quốc hội xem xét kỹ lưỡng và bỏ phiếu thông qua với tỷ lệ 86,96%, nhưng các thế lực thù địch, cơ hội chống chính trị vẫn đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước; chúng tung tin suy diễn nội dung dự thảo luật “từ cho thuê đất thành bán đất, từ cho mọi nhà đầu tư thành giành ưu đãi cho Trung Quốc”; chúng gán ghép hình ảnh và kèm theo lời nói xấu xuyên tạc cán bộ cấp cao Đảng, Nhà nước’ chúng phát tán tin nhắn đến các tầng lớp nhân dân tham gia biểu tình sẽ được nhận tiền; chúng còn tổ chức Live stream trực tiếp các cuộc biểu tình, tán phát hình ảnh người dân được cho là công an, chính quyền đánh gây thương tích trên internet, mạng xã hội để kích động dư luận, kêu gọi người dân xuống đường biểu tình, đề nghị các tổ chức quốc tế can thiệp vào nội bộ của Việt Nam; trong các ngày 10,11/6/2018 tại một số địa phương Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Thuận…một số người dân đã bị các đối tượng chống đối kích động tham gia các cuộc tuần hành, biểu tình chống đối chính quyền, cản trở giao thông, đạp phá phương tiện, trụ sở chính quyền, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nhiều giờ…

Trên địa bàn huyện qua nắm bắt tình hình của các cơ quan chức năng đã phát hiện một số tài khoản Facebook thường xuyên chia sẻ các hình ảnh, video clip có nội dung phản động, cổ súy cho xu hướng chống đối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên các trang mạng xã hội, gây hoang mang và có tác động xấu đến tâm lý chung của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện. Sự quan tâm, lo lắng của người dân về xây dựng các đặc khu và ban hành Luật An ninh mạng là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, do thiếu tỉnh táo, nhiều người dân tại một số tỉnh, thành đã có những hành động vi phạm pháp luật. 

Quan điểm của Đảng, Chính phủ, Quốc hội:

Đảng, Chính phủ, Quốc hội đánh giá cao việc các tầng lớp nhân dân quan tâm góp ý, thảo luận, hiến kế, trong đó có việc phản biện xã hội đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng nhấn mạnh: "Đảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể. Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội". Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: "Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động nhân dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Trước khi thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; Luật An ninh mạng, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã đăng tải, lấy ý kiến rộng rãi. Tư tưởng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như nội dung của Luật đều thể hiện sự nhất quán, không phát triển kinh tế bằng mọi giá. Trên cơ sở ý kiến đề xuất của cử tri, ý kiến đề xuất của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), sáng ngày 11/6/2018, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết đồng ý lùi thời gian thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Trước tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp ở một số địa phương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã kêu gọi người dân bình tĩnh, tránh những hành động quá khích, hãy tin tưởng vào sự quyết định của Đảng, Nhà nước.

Một số nhiệm vụ thời gian tới:

Trước tình hình trên, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cần nhận thức rõ nội dung, ý nghĩa của dự thảo Luật Đơn vị hành chính, Luật An ninh mạng. Việc xây dựng đặc khu kinh tế và ban hành Luật An ninh mạng là xu thế tất yếu của thế giới trong nền kinh tế hội nhập và phát triển. Xây dựng các đặc khu kinh tế nhằm đa dạng hóa nền kinh tế, tạo nhiều việc làm cho người dân, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, tạo sự đổi mới, chuyển giao công nghệ ... Từ đó, nâng cao trình độ, tay nghề lao động, làm tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, đảm bảo quốc phòng, an ninh; an sinh xã hội.

Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến để áp dụng cho tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào 3 đặc khu kinh tế, phải đảm bảo các yêu cầu theo quy định của pháp luật Việt Nam mới được thuê đất, chứ không phải ban hành Luật để cho Trung Quốc thuê, càng không phải bán đất cho Trung Quốc như nhiều thông tin đã xuyên tạc.

Nhìn từ những vụ tụ tập đông người, kích động gây rối vừa qua, đặc biệt là việc đập phá cơ quan chính quyền ở một số tỉnh, thành, cho thấy lòng yêu nước của người dân đã bị kẻ xấu lợi dụng,  người dân một lần nữa cần hết sức cảnh giác, không mắc mưu các thế lực xấu lợi dụng tình cảm yêu nước chân chính của nhân dân để kích động các hoạt động tập trung đông người, gây mất trật tự công cộng, vi phạm pháp luật. Lòng yêu nước phải dựa trên cơ sở có hiểu biết pháp luật, nắm vững được bản chất của vấn đề phản biện xã hội. Phải có trái tim nóng và cái đầu lạnh, không để bị lợi dụng, kích động, vô hình trung vi phạm pháp luật, tiếp tay cho các thế lực xấu chống phá. Mỗi người dân, mỗi cán bộ, đảng viên cần đề cao trách nhiệm chính trị-xã hội, nói không với việc tụ tập, tuần hành trái phép, thực hiện đúng quyền dân chủ, giám sát và phản biện xã hội theo đúng quy định của pháp luật; cảnh giác và nói không với những lời kêu gọi tuần hành, tụ tập, biểu tình từ mạng xã hội và những tờ rơi, thông tin trôi nổi, dẫn đến vi phạm pháp luật.

Chúng ta từng có những bài học đáng tiếc về các đợt biểu tình, tuần hành gây rối, gây ra rất nhiều thiệt hại về kinh tế cũng như trật tự an toàn xã hội. Rất nhiều công nhân, người lao động bị mất việc làm, hàng loạt công ty bị đập phá tài sản, trộm cắp, tê liệt hoạt động, rất nhiều người bị kích động sau đó đã bị tạm giam, hầu tòa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta". Đó là tinh hoa, phẩm cách của người Việt Nam. Vì vậy phải làm sao đưa giá trị yêu nước, ý thức dân tộc chân chính đó vào những việc làm xây dựng đất nước, giữ vững ổn định chính trị để thúc đẩy công cuộc đổi mới phát triển lành mạnh, đạt cho được mục tiêu mà Đảng đã xác định “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó là chỗ thể hiện tốt đẹp nhất và xứng đáng nhất về lòng yêu nước của mỗi người dân, bất cứ ở cương vị nào, lứa tuổi nào, giới tính nào. Lòng yêu nước luôn luôn phải trở thành một động lực tinh thần cao quý mà mỗi người cần gìn giữ, phát huy và không bao giờ để kẻ xấu lợi dụng vào việc làm gần như chống lại Tổ quốc, dân tộc mình. Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách kích động, mị dân, lừa dối, thậm chí bằng những biện pháp tinh vi như cung cấp thông tin giả mạo, cung cấp tiền tài, vật chất. Nếu người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ không đủ tỉnh táo, sáng suốt, thì rất dễ trở thành con rối, một công cụ trong tay kẻ xấu chống lại chính mình mà mình không biết.

Ban Tuyên giáo Huyện ủy đề nghị các tổ chức cơ sở Đảng, Mặt trận và các đoàn thể, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền sâu rộng các nội dung trên đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phú Thiện

Chuyên mục