CHUYÊN MỤC

“Bài viết “Một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không chỉ là những suy tư, trăn trở, đầy tâm huyết và trách nhiệm của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, mà đồng thời cũng phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng và sự mong đợi của cán bộ, đảng viên và nhân dân”, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Ban Tổ chức T.Ư chia sẻ với PV.

Sự kiện: Thời sự


Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII của Đảng (ảnh IT).
 
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng của Ban Tổ chức Trung ương nói: Bài viết “Một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng mới đây đã có sức lan tỏa nhanh, mạnh mẽ và sâu rộng trong dư luận xã hội, góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Trong Bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phân tích toàn diện, sâu sắc về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nhân sự; yêu cầu đặt ra cho công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII; nội dung, phương pháp, cách thức tiến hành và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với vấn đề quan trọng này.

Nói đến công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng, là nói đến việc chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, nhiệm kỳ khóa XIII. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh của Đảng và sự phát triển bền vững của đất nước trong những năm tới.

Thực tiễn cách mạng nước ta đã chứng minh rằng, trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, bất kỳ lĩnh vực, địa phương nào, công tác cán bộ bao giờ cũng đóng vai trò quyết định và luôn giữ vị trí “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”; là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng và quyết định sự thành bại của cách mạng, như Bác Hồ đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.

Về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Đại hội XIII của Đảng diễn ra vào thời điểm rất quan trọng, là dấu mốc có ý nghĩa định hướng tương lai, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, liên quan đến sự sống còn của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển bền vững của đất nước. Mỗi chúng ta cần nhận thức sâu sắc rằng, sự thành công của đại hội đảng bộ các cấp là cơ sở vững chắc bảo đảm cho sự thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Vì thế, để chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội XIII của Đảng, phải chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp, bởi “dưới có chắc thì trên mới vững bền được” như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói.

Mặt khác, đại hội đảng bộ các cấp không chỉ có trách nhiệm chuẩn bị tốt văn kiện và nhân sự cấp ủy, mà còn phải chuẩn bị thật tốt việc lựa chọn, bầu cử đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên, bởi chất lượng đại biểu có ý nghĩa quyết định đến chất lượng của đại hội, mà hầu hết các đại biểu dự Đại hội XIII là do đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương bầu ra.
 
Ông Nguyễn Đức Hà (ảnh PV).
 
Thực tiễn cho thấy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định công tác cán bộ phải xuất phát từ đường lối chính trị và phục vụ nhiệm vụ chính trị. Do đó, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII cần có số lượng, cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, nhưng phải trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, không nhất thiết ngành nào, địa phương nào cũng có người tham gia Ban Chấp hành Trung ương.

Trong mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng thì phải lấy chất lượng là chính; trong mối quan hệ giữa đức và tài thì phải lấy đức là gốc, như Bác Hồ đã dạy, bởi “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Vì thế, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu: việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự để bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải là những cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng; có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng; có trí tuệ, tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược, thật sự trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, luôn luôn đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Đây không chỉ là nhiệm vụ của Tiểu ban Nhân sự, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mỗi cán bộ, đảng viên. Bởi vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu từng địa phương, từng cấp, từng ngành và từng cơ quan, đơn vị phải toàn tâm, toàn ý lo cho công việc chung.

Phải thấy rằng, công tác nhân sự là công việc vô cùng quan trọng, nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp và nhạy cảm, vì nó liên quan đến con người. Vì vậy, công tác nhân sự phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, bài bản, khoa học, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch và vì lợi ích chung. Việc đánh giá, lựa chọn, giới thiệu nhân sự phải lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu chuẩn, hiệu quả trong công việc và uy tín của cán bộ làm thước đo chủ yếu; phải chọn đúng người, bố trí đúng việc, sắp xếp đúng chỗ và phải tạo được “ê kíp” ăn ý, đoàn kết thống nhất để mọi người bổ sung, hỗ trợ cho nhau, nhằm xây dựng một tập thể trong sạch, vững mạnh, bởi mỗi người, ai cũng có mặt mạnh, mặt yếu, vì “nhân vô thập toàn” như ông cha ta đã tổng kết. Bởi vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ cần nêu cao tinh thần trách nhiệm; phải có con mắt “tinh đời”, để “đừng trông gà hóa cuốc”, “đừng thấy đỏ tưởng là chín” và đừng để “mã bên ngoài che đậy sơ sài bên trong”, vì bây giờ cũng có người khéo lắm, họ che đậy giỏi lắm.

Người đứng đầu Đảng và Nhà nước cũng nhắc nhở, phải tuyệt đối không được giản đơn, tùy tiện, vô nguyên tắc, chủ quan duy ý chí theo kiểu “yêu nên tốt, ghét nên xấu” hoặc “cua cậy càng, cá cậy vây”. Đặc biệt, phải kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, không bảo đảm tiêu chuẩn, những người tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm” vào Ban Chấp hành Trung ương, bởi nếu để những người đã vướng vào tham nhũng, phẩm chất cách mạng, tư cách đảng viên không còn, mà lại được bố trí vào cơ quan lãnh đạo của Đảng thì sẽ dẫn đến tai họa khôn lường; là tạo cơ hội để họ càng làm hại nước, hại dân nhiều hơn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng phải sáng suốt, công tâm, khách quan và lắng nghe để không bỏ sót những người thực sự có đức, có tài, có tín nhiệm cao trong Đảng và nhân dân tham gia Ban Chấp hành Trung ương. Đặc biệt lưu ý đến quy trình và cách làm; phải tiến hành từng bước, từng khâu, từng công đoạn và từng việc một cách thận trọng, chắc chắn, khoa học, bài bản, làm đến đâu chắc đến đó; phải chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương trước, nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư sau và cuối cùng là nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước.
                                                                                          Nguồn: Báo Dân Trí
 

Thông tin liên hệ:

  • Thị trấn Phú Thiện - Huyện Phú Thiện - Tỉnh Gia Lai
  • Địa chỉ: Tổ dân phố 8- TT Phú Thiện- Huyện Phú Thiện- Tỉnh Gia Lai
  • Mail:     ttphuthien.phuthien@gialai.gov.vn
  • Tel:      02693882822

Thông tin bản quyền:


Chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Văn Chinh - Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thiện