Giới thiệu  |   Liên hệ   | 
Loading...

 THÔNG TIN LIÊN HỆ

 Văn phòng UBND huyện Phú Thiện
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Ngọc Ngô - Phó Chủ tịch TT UBND huyện Phú Thiện
Giấy phép số: 
Địa chỉ: 05 Quang Trung, thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3 882 226 - FAX: (0269) 3 882 237
Email: ubndphuthien@gialai.gov.vn

Hiệu quả thực hiện các chính sách dân tộc tại huyện Phú Thiện

24/06/2024
Trong giai đoạn 2019-2024, các cấp, các ngành huyện Phú Thiện đã có nhiều nỗ lực, tập trung mọi nguồn lực, ưu tiên triển khai các chương trình, dự án, chính sách đối với người dân vùng đồng bào DTTS trên địa bàn. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của bà con ngày một cải thiện và nâng lên, bộ mặt các thôn làng ngày càng khởi sắc. 

phong-dan-toc-tap-huan.jpg

Chư A Thai là một trong 02 xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện Phú Thiện với khoảng 85% dân số là đồng bào dân tộc Bahnar sinh sống. Toàn xã có 4 làng: Plei Pông, King Pêng, Plei Trớ và Plei Hek từng là "vùng trũng" về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Sau khi hoàn thành 02 giai đoạn của Đề án phát triển kinh tế - xã hội tại 4 làng này gắn với thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13/02/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số, diện mạo của các làng đã thực sự thay da đổi thịt. Bước đầu các làng đã được quy hoạch theo hướng văn minh, tiến bộ, phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đồng thời, giữ gìn phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống của dân tộc Bahnar; các hộ được bố trí đảm bảo về đất ở, đất vườn và làm chuồng nuôi nhốt gia súc; cảnh quan môi trường cải thiện cơ bản, đường nội thôn đã được bê tông hóa, hệ thống điện-nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt đến từng thôn làng và gia đình. Ông Siu Tinh - Chủ tịch UBND xã Chư A Thai cho biết thêm: “Được sự quan tâm của Huyện uỷ, Uỷ ban huyện thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội 4 làng đồn thì xã cùng với phòng ban chuyên môn của huyện đã tập trung vận động bà con, nhất là việc quy hoạch lại 4 làng đồn, thứ hai là san sẻ những hộ không có đất ở, thứ ba nữa là thay đổi cái việc làm cánh đồng mẫu lớn. Tới giờ phút này thì 4 làng đồn đã được quy hoạch bài bản, đường làng ngõ xóm được bê tông hoá, tỷ lệ học sinh nghỉ học theo mùa vụ giảm hẳn, bà con đã tự chủ động tìm kiếm việc làm, nhất là thanh niên đã đi vào làm trong các khu công nghiệp và các nhà máy gạch trên địa bàn xã, thu nhập thì hiện nay tăng hơn 4 đến 5 lần so với trước thời điểm triển khai đề án”.

Huyện Phú Thiện có 21 dân tộc cùng sinh sống, tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm 62,45% tổng dân số toàn huyện; trên địa bàn huyện có 2/9 xã vùng III và có 18/81 thôn, làng đặc biệt khó khăn, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống. Xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác Dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm hàng năm và xuyên suốt, nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS, Phòng Dân tộc cùng các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương từ huyện đến cơ sở đã phối hợp vào cuộc đồng bộ và quyết liệt trong thực hiện các chính sách dân tộc trên tất cả các lĩnh vực, từ đầu tư cơ sở hạ tầng điện – đường – trường – trạm, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá, an sinh xã hội đến công tác đảm bảo an ninh chính trị, an ninh nông thôn và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống; quan tâm giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề bức thiết liên quan đến đồng bào DTTS, nhất là vấn đề giảm nghèo, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, xóa nhà dột nát, đào tạo nghề, tạo việc làm, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhờ đó, bộ mặt các thôn, làng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Kết quả từ năm 2019 đến nay, huyện Phú Thiện có thêm 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện lên 6/9 xã và xây dựng được 22 làng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện là 43 triệu đồng/người/năm. Nếu như năm 2019, toàn huyện có 2.304 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 12,54% tổng hộ dân, trong đó, hộ nghèo DTTS là 1.956 hộ, chiếm tỷ lệ 84,9% tổng hộ nghèo thì đến cuối năm 2023, toàn huyện còn 1.000 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,06%, trong đó, hộ nghèo DTTS là 829 hộ, chiếm tỷ lệ 82,9% tổng hộ nghèo trên địa bàn. Chị Ksor H’ Lil – Người dân xã Chrôh Pơnan chia sẻ: “Làm lúa, trồng bắp với lại nuôi bò. Hiện nay, tổng đàn bò của gia đình tôi là 18 con, lúa thì gần 1,5ha, bắp thì gần 1ha, thu nhập 1 năm của gia đình tôi cũng hơn 100 triệu đồng. Với lại tôi cũng học hỏi kinh nghiệm từ các hội viên khác, từ bạn bè để nâng cao kinh tế của gia đình hơn”.

Ông Đinh Nhiêu – Người uy tín tiêu biểu xã Ia Yeng cũng phấn khỏi chia sẻ: “Từ khi Đảng, Nhà nước đầu tư có cấy cầu đẹp nhất của huyện Phú Thiện này thì phải nói là đối với nhân dân Phú Thiện nói chung và xã Ia Yeng nói riêng vô cùng vui mừng, phấn khởi; đi lại rồi thì vận chuyển nông sản rất thuận lợi so với trước đây. Trước đây là cầu thủy lợi, cầu nhỏ, hẹp, đi lại rất là nguy hiểm. Giờ thì cảm ơn Đảng, Nhà nước đã đầu tư rất lớn đối với nhân dân các dân tộc trên địa bàn”.

Bà Ngô Thị Thanh Diệp - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Phú Thiện cho biết thêm: “Từ năm 2019 đến nay, khó khăn chung của toàn huyện đó là đại dịch COVID-19 xảy ra để lại nhiều ảnh hưởng, mà bà con dân tộc thiểu số thì lại càng khó khăn hơn; tuy nhiên thì có sự đoàn kết, chia sẻ của cả cộng đồng và hệ thống chính trị các cấp, trong đó, có nhiệm vụ của ngành dân tộc. Với sự quyết tâm, nỗ lực của phòng cũng như là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện uỷ, Uỷ ban, chúng tôi cũng cố gắng đưa hết cái nhiệt huyết để thực hiện chính sách, công tác dân tộc vào thực tiễn của địa phương. Trong giai đoạn vừa qua thì chúng ta có Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là chương trình mới, được đưa vào vận hành chính thức năm 2021, có vốn thực hiện năm 2022. Tổng quan về chương trình này thì có 10 dự án với 32 nội dung và tiểu dự án thành phần. Trên địa bàn huyện đến thời điểm hiện tại, kết quả đạt được rõ ràng nhất của chương trình là ở dự án 1 về cấp đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề cho bà con; tiếp đến là dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho vùng đồng bào DTTS, ưu tiên cho vùng khó khăn”.

Với sự quan tâm của Đảng, nhà nước, chính quyền địa phương cùng sự nỗ lực vươn lên của người dân, vùng đồng bào DTTS huyện Phú Thiện đã khoác lên mình diện mạo mới tươi tắn hơn. Tin tưởng, đây sẽ là động lực để bà con các DTTS trên địa bàn phát huy hơn nữa khối đại đoàn kết, chung sức xây dựng địa phương ngày càng phát triển.
Kiều Nhi - Trung tâm VHTT&TT huyện

Chuyên mục