Giới thiệu  |   Liên hệ   | 
Loading...

 THÔNG TIN LIÊN HỆ

 Văn phòng UBND huyện Phú Thiện
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Ngọc Ngô - Phó Chủ tịch TT UBND huyện Phú Thiện
Giấy phép số: 
Địa chỉ: 05 Quang Trung, thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3 882 226 - FAX: (0269) 3 882 237
Email: ubndphuthien@gialai.gov.vn

RMAH H’ TUYẾT – NGƯỜI TÂM HUYẾT PHÁT HUY GIÁ TRỊ THỔ CẨM JRAI TRÊN ĐỊA BÀN

22/08/2022
Dưới bàn tay khéo léo và tư duy của một người trẻ, chị Rmah H’Tuyết ở tổ dân phố 10, thị trấn Phú Thiện đã biến những sản phẩm thổ cẩm vốn thường sử dụng vào những dịp lễ trọng như: Lễ cưới, mừng nhà mới, lễ thổi tai, lễ mừng lúa mới,... của người Jrai trở thành sản phẩm hàng hóa, vừa tạo nguồn thu nhập cho gia đình vừa góp phần bảo tồn, quảng bá nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Được bà, mẹ truyền dạy nghề dệt ngay từ nhỏ, chị Rmah H’Tuyết trú tại tổ dân phố 10, thị trấn Phú Thiện có niềm đam mê đặc biệt với những nét hoa văn truyền thống trên trang phục thổ cẩm của người Jrai. Như một cơ duyên, năm 2013, chị được Ban giám hiệu Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Phú Thiện giao may gấp 50 áo thổ cẩm truyền thống cho các em học sinh. Cùng với kinh nghiệm và sự hỗ trợ của mẹ, các chị em trong làng, chị đã cung cấp đủ số áo nhà trường giao và được giáo viên, học sinh đánh giá cao. Từ đó, chị đã mạnh dạn mở một cửa hàng tại nhà chuyên may, cung cấp đồ thổ cẩm truyền thống của người Jrai. Chị Rmah H’Tuyết chia sẻ: “Sau mấy năm hoạt động thì cửa hàng đã đi vào hoạt động ổn định và được khách hàng tín nhiệm, đặc biệt là khách hàng từ các tỉnh thành như là tỉnh Đăk Lăk. Mình càng làm là tự nhiên cái niềm đam mê càng ăn sâu vào máu, rồi mình mới thấy được giá trị của sản phẩm, giá trị văn hóa dân tộc mình, càng làm càng đam mê, càng thích. Giá cả thì thổ cẩm nữ 500 ngàn đồng, thổ cẩm nam thì 1 triệu đồng trở lên đối với dệt máy, còn dệt thủ công thì từ 1 triệu bảy đến 2 triệu rưỡi tùy theo hoa văn các loại, chất liệu. Khi làm nghề này thì tôi muốn truyền lại cho con em người đồng bào và đặc biệt muốn giúp đỡ con em người đồng bào có công ăn việc làm”.
Với 4 thợ may phụ, hàng tháng, cửa hàng của chị Rmah H’Tuyết cung cấp cho thị trường hơn 100 bộ trang phục thổ cẩm truyền thống, thu nhập hơn 50 triệu đồng. Ngoài ra, thông qua các kênh như Facebook, Zalo,…chị Rmah H’Tuyết liên kết với các cửa hàng trang phục ở các tỉnh, thành trong nước để cung cấp trang phục thổ cẩm truyền thống. Chị Siu H’July – khách hàng cho biết: “Là người Jrai thì ai cũng mong muốn có một bộ trang phục thổ cẩm truyền thống để mặc trong các dịp lễ quan trọng, do đó, trước đây, tôi và bà con thường mua ngoài chợ hay tại các cửa hàng may sẵn, tuy nhanh nhưng mặc không đẹp. Từ khi có cửa hàng chuyên may đồ thổ cẩm của chị H’Tuyết, tôi và bà con rất vui vì nó là nơi để chúng tôi có thể may những bộ đồ thổ cẩm truyền thống đẹp nhất mà còn góp phần bảo tồn văn hóa truyến thống của dân tộc mình”.
 
 
Dự kiến vào tháng 11/2022, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, huyện Phú Thiện sẽ lựa chọn sản phẩm quần áo thổ cẩm của chị Rmah H’Tuyết để trưng bày tại Hà Nội. “Thời gian vừa qua thì cửa hàng thổ cẩm của chị H’Tuyết ở tổ dân phố 10 chúng tôi đã phát triển và hoạt động tương đối là có hiệu quả, đã góp phần chung sức cùng với địa phương chúng tôi quảng bá thương hiệu sản phẩm của người bản địa. Tôi tin tưởng rẳng, với sản phẩm của cửa hàng chị Rmah H’Tuyết sẽ được trưng bày tại Hà Nội thì sẽ tạo ra niềm tin về bản sắc của người bản địa Tây Nguyên chúng tôi ra cho tất cả bạn bè trên toàn quốc biết được và sẽ coi đây như là một sản phẩm mà chúng tôi sẽ tạo công ăn việc làm để phát triển kinh tế, tạo động lực cho người dân phát triển ngành nghề thổ cẩm truyền thống của bà con dân tộc thiểu số nơi đây” Ông Đinh Văn Chinh - Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thiện cho biết thêm./.
Kiều Nhi
     Trung tâm VH,TT&TT huyện

Chuyên mục