Giới thiệu  |   Liên hệ   | 
Loading...

 THÔNG TIN LIÊN HỆ

 Văn phòng UBND huyện Phú Thiện
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Ngọc Ngô - Phó Chủ tịch TT UBND huyện Phú Thiện
Giấy phép số: 
Địa chỉ: 05 Quang Trung, thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3 882 226 - FAX: (0269) 3 882 237
Email: ubndphuthien@gialai.gov.vn

Tản mạn Nghề giáo

18/11/2017
Hàng năm, cứ đến tháng 11, mỗi thầy cô giáo đều trào dâng một cảm xúc khó tả. Đây là dịp để chính họ tri ân những người thầy đáng kính của mình – và cũng là cơ hội để nhận sự tri ân từ học trò của họ. Nhân dịp kỉ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2017), tôi xin phép được tản mạn đôi điều về nghề giáo hiện nay, để thấy được sự khác biệt giữa trò xưa (thời chúng tôi) và trò nay (học trò của chúng tôi)

Sinh thời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Nói vậy không phải để phủ nhận vai trò của các nghề khác mà  muốn nhấn mạnh sự đặc biệt của nghề giáo. Bởi “sản phẩm” của nghề giáo không chỉ mang lại cho học trò tri thức, vốn sống mà còn giúp các em hoàn thiện về nhân cách. Để làm được điều ấy, người thầy giáo không chỉ là “kho tri thức” sống mà bản thân họ còn là một tấm gương sáng về đạo đức, lối sống cho học sinh noi theo.

Ngược dòng thời gian, trở về với những năm đầu thập kỉ 90 của thế kỉ XX, khi thế hệ 8X chúng tôi bắt đầu đến trường, thời ấy, với chúng tôi thầy cô luôn là thần tượng, chẳng thế mà mọi sự so sánh, mọi chuẩn mực đều lấy thầy cô làm chuẩn. Thầy cô đã trở thành ông Bụt, bà Tiên trong truyện cổ tích. Chẳng cần đòn roi, chẳng cần lôi kéo, cũng chẳng cần ép buộc … ấy vậy mà từng lời thầy cô như thấm và ngấm sâu vào gan ruột. Thời kì khó khăn, được đến trường cũng đã là may mắn, các môn học chính khóa mới được ưu tiên giảng dạy trong chương trình, gần như không hề có bóng dáng các môn học phụ và chẳng hề có môn học nào rèn dạy kĩ năng sống trong trường học. Ấy vậy mà lũ chúng tôi ai nấy đều răm rắp nghe lời, biết kính trên nhường dưới, biết lễ nghĩa phép tắc…và thời gian có xóa nhòa đi tất cả, nhưng kí ức về thầy cô, về mái trường vẫn đọng lại trong tâm trí chúng tôi, và ai nấy đều nhớ tên thầy cô, nhớ từng đặc điểm, tính cách dáng hình của thầy cô mình từ thời học mẫu giáo lên tiểu học, Trung học cơ sở và cả THPT – không sót một ai. Lên THPT (ngày ấy gọi trường cấp 3) cả huyện chỉ có 1 đến 2 trường, số lớp đông, thầy cô cũng nhiều nhưng ai nấy đều biết hết những thầy cô trong trường, kể cả những thầy cô không dạy mình, gặp từ xa đã lễ phép cúi chào. 20/11 mới là ngày thực sự ý nghĩa, dù nhà xa hay gần ai nấy đều tìm đến thăm cô, quà là gói bánh, gói kẹo, cuốn sổ, cây bút và cả …bó chè xanh cắt ở vườn nhà – đó là cả tấm lòng mà cả phụ huynh và học trò nghèo dành để tri ân thầy cô giáo. Lớn lên, mỗi người lập nghiệp một nơi,  nhưng khi có dịp trở về, hầu như ai cũng chọn cho mình một điểm gặp gỡ - nhà của thầy cô mình để ôn lại những kỉ niệm xưa cũ.

Ngày nay, học trò chúng tôi được sống trong hoàn cảnh khác trước, khi đất nước đổi mới, khi nền kinh tế thị trường len lỏi vào mọi “ngóc ngách” của đời sống xã hội, kinh tế hộ gia đình khá dần lên, các em được tạo mọi điều kiện tốt nhất để học hành. Nhiều em đã tận dụng tối đa điều đó, học tập tốt và trở thành những người thành đạt, trở thành niềm tự hào của thầy cô, gia đình, bè bạn. Nhưng bên cạnh đó, cũng tồn tại không ít học sinh chểnh mảng, chây lười học tập, bản thân các em bị cám dỗ trước nhiều thứ như game online, mạng xã hội… nên thầy cô không đơn thuần là người truyền thụ kiến thức giúp các em chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức, là tấm gương sáng về đạo đức và tự học mà còn phải trở thành người …lôi kéo các em thoát khỏi nhiều cám dỗ để trở về với bài vở. Trong gia đình, các em đều là các “cậu ấm, cô chiêu” nên nhiều lúc công tác phối hợp để giáo dục học sinh cá biệt cũng gặp rào cản rất lớn từ phía phụ huynh. Với sự đổi mới mạnh mẽ của giáo dục hiện nay, vai trò và vị trí của người thầy  cũng thay đổi. Nếu giáo viên ngày trước thiên về giảng dạy theo chuẩn kiến thức kĩ năng – được ví như người đưa đò qua sông thì ngày nay, người giáo viên phải dạy theo định hướng phát triển năng lực học sinh – tức là phải dạy cho học sinh cách để tự qua sông (có thể không cần phương tiện duy nhất là đò mà bằng nhiều cách khác). Nhưng dù xã hội có đổi thay thì trọng trách của người thầy cũng không thể thay thế.

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thông tôn sư trọng đạo, chẳng vậy mà học trò gọi thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy mình là thầy, phụ huynh gọi thầy của con mình là thầy và cả xã hội đều gọi thầy giáo bằng thầy. Điều đó làm cho thầy cô giáo tự hào và nhận rõ trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp trồng người. Món quà lớn nhất mà các thầy cô giáo nhận được không gì khác ngoài sự thành công của học sinh, ở sự tin tưởng của phụ huynh và cả xã hội. Chẳng gì hạnh phúc hơn khi họ nhận được những lời chúc, lời động viên từ các em mỗi dịp lễ tết. Nhưng đáng buồn thay, với sự tác động của nền kinh tế thị trường, tồn tại không ít học sinh và cả phụ huynh có cái nhìn lệch lạc về nghề giáo, về cách tri ân thầy cô giáo trong ngày 20/11. Chẳng còn lạ lẫm nếu như học sinh trong trường không biết đến tên thầy cô không dạy mình hay đối mặt với thầy cô vẫn không chào vì… thầy cô đó không dạy mình. Thậm chí va phải thầy cô vẫn trân trân đứng nhìn mà quên mất lời xin lỗi. Còn có những bậc phụ huynh gọi với cô giáo chủ nhiệm “cô ơi hôm qua tôi cho cháu 100.000 để đi thăm cô không biết cháu có tới nhà cô không” … Nếu như các em học sinh, các bậc phụ huynh chịu khó để ý một chút sẽ thấy, ngày 20/11 hàng năm đã thực sự trở thành “ngày hội lớn” của các em học sinh khi các em lợi dụng tâm lí các bậc phụ huynh để xin đi thăm các thầy cô giáo, nhưng điểm đỗ của các em chủ yếu là các nhà hàng, các quán nhậu và cả quán karaoke…

Đã đến lúc, các bậc phụ huynh và cả xã hội cần có một cái nhìn khác để những thầy cô giáo chúng tôi cảm thấy mình được tôn trọng, để ngày 20/11 hàng năm với chúng tôi thực sự là một ngày vui trọn vẹn.

Trần Thị Lê
Trường THPT Trần Quốc Tuấn

Chuyên mục