Giới thiệu  |   Liên hệ   | 
Loading...

 THÔNG TIN LIÊN HỆ

 Văn phòng UBND huyện Phú Thiện
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Ngọc Ngô - Phó Chủ tịch TT UBND huyện Phú Thiện
Giấy phép số: 
Địa chỉ: 05 Quang Trung, thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3 882 226 - FAX: (0269) 3 882 237
Email: ubndphuthien@gialai.gov.vn

Triển vọng phát triển của gạo chất lượng cao Phú Thiện trên thị trường

12/06/2018
        Huyện Phú Thiện nằm trong thung lũng thuộc lưu vực sông Yun có các dãy núi cao bao bọc ở phía Tây Bắc, Tây Nam, phía Nam và Đông Bắc; nằm gọn trong địa hình lòng chảo nơi có con sông Yun bắt nguồn từ cao nguyên Kon Tum chảy qua nên huyện vừa mang đặc điểm khí hậu cao nguyên lại chịu ảnh hưởng của khí hậu duyên hải. 

Mô hình cánh đồng lớn một giống tại xã Ia Ake

        Khí hậu chia làm hai mùa rõ rệt: Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 chiếm 80 - 90% lượng mưa cả năm, tập trung vào các tháng 7, tháng 8 và tháng 9. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Tổng lượng mưa trong năm và biên độ nhiệt giữa ngày và đêm chênh lệch lớn. Có với hệ thống kênh mương thuỷ lợi Ayun Hạ đã tạo nên một vùng đất đai màu mỡ, phì nhiêu, là điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nhất là đối với cây lúa nước.

        Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020; trong những năm cả toàn Đảng, toàn dân đã nỗ lực phấn đấu nhằm duy trì và phát triển cây lúa nước, tiến tới xây dựng “Thương hiệu gạo Phú Thiện”, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, xóa đói, giảm nghèo cho người dân trên địa bàn huyện. Trên cơ sở chủ trương chung của huyện; trong những năm qua, ngành nông nghiệp huyện đã nỗ lực hết mình, phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các HTX nông nghiệp và các Công ty giống cây trồng có uy tín, chất lượng để đưa về địa phương những giống lúa có phẩm chất tốt, cho năng suất, chất lượng cao; từ năm 2015 đến nay, đã tiến hành việc khảo nghiệm, trình diễn đối với nhiều loại giống lúa khác nhau, qua đó tiến hành tổng kết, hội thảo đầu bờ để nhân dân đánh giá và lựa chọn. Trên cơ sở đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã tham mưu UBND huyện nhiều loại giống lúa phẩm cấp tốt, giá trị kinh tế cao như LH12, TBR225, Sơn Lâm 1, HN6, Nếp 87, Nếp 97...được đa số người dân và thị trường chấp nhận để nhân rộng đại trà, và là những bộ giống chủ lực để hướng đến xây dựng thương hiệu gạo Phú Thiện.

        Bên cạnh việc lựa chọn những bộ giống lúa chủ lực của huyện, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã chủ động phối hợp với các địa phương nhằm tuyên truyền, vận động xây dựng về tính tất yếu của việc liên kết sản xuất trong nông nghiệp, về sự đổi mới toàn diện trong phương thức canh tác cây lúa nước; đến nay, huyện nhà về cơ bản đã xây dựng được những vùng nguyên liệu lúa, 21 cánh đồng lúa lớn với diện tích 728 ha đã được hình thành; phối hợp với đội ngũ chuyên môn của các công ty giống cây trồng tổ chức tập huấn, chuyển giao cho người dân tham gia chương trình về quy trình kỹ thuật “3 giảm 3 tăng và “1 phải 5 giảm” để thay thế thói quen canh tác truyền thống như gieo sạ dày, sử dụng các loại giống lúa đã trãi qua nhiều vụ canh tác dẫn đến thái hóa giống là nguyên nhân phát sinh sâu bệnh hại lúa dẫn đến năng suất thấp, chất lượng kém.

        Vụ Đông Xuân 2017-2018 vừa qua, trên những cánh đồng lớn của huyện nhà, người nông dân tham gia cánh đồng lúa lớn vui mừng, phấn khởi vì đây là mùa vụ sản xuất lúa đạt năng suất cao nhất từ khi thành lập Huyện đến nay. Năng suất bình quân khoảng 8,5 -9,0 tấn/ha đối với lúa tẻ (TBR225, LH12) và 9,0-10 tấn/ha đối với lúa nếp (N87, N97), cá biệt có nơi năng suất láu đạt 12 tấn/ha (Ia Sol, Ayun Hạ, thị trấn Phú Thiện). Song song với việc năng suất lúa đạt cao, giá cả cũng tăng từ 300-400 đồng/kg lúa; tính bình quân thu nhập trên diện tích 01 ha đạt khoảng 30-35 triệu đồng.

        Những nỗ lực chung của nhân dân và cán bộ huyện nhà bước đầu đã đêm lại hiệu quả cho người nông dân trồng lúa; thu nhập ngày càng tăng trên cùng một đơn vị diện tích; lúa gạo Phú Thiện đã được nhân dân các dân tộc tỉnh nhà và các tỉnh lân cận nói chung và nhân dân trong cả nước nói riêng biết đến như là một trong những sản phẩm đặc trưng riêng của vựa lúa trên “cao nguyên Trung phần”; vùng đất có biên độ nhiệt ngày và đêm lớn, có đủ mọi điều kiện thuận lợi để cho ra thị trường sản phẩm “gạo Phú Thiện” dẻo, thơm, đậm đà và ngọt tự nhiên như chính dòng nước Ayun Hạ.

         Vui mừng hơn khi “Gạo Phú Thiện” đã được Liên Minh HTX tỉnh chọn để trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ hàng nông sản Việt Nam tổ chức từ ngày 16/05/2018-21/05/2018 tại Hà Nội; người tiêu dùng Thủ đô đánh giá rất cao về sản phẩm của huyện nhà, đây là cơ sở để kỳ vọng về một tương lai tươi đẹp đối với lúa gạo Phú Thiện; về sự gắn kết và đầu ra vững chắc, ổn định cho người trồng lúa, bảo đảm người dân thực sự “ sống được trên cánh đồng lúa của mình”.

        Từ những kết quả đã đạt được; thời gian tới, Phú Thiện sẽ phấn đấu đưa diện tích cánh đồng lớn từ 728 ha lên thành 1.200 ha trên địa bàn của 10 xã, thị trấn, bên cạnh đó tiếp tục khảo nghiệm để tìm thêm những giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện nhà để đưa vào vùng sản xuất nguyên liệu; đẩy mạnh kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy mối liên kết sán xuất và tiêu thụ sản phẩm, phát huy hơn nữa vai trò của các HTX, là người đại diện và là cầu nối của nông dân trong liên kết sản xuất nhằm mang lại thu nhập ổn định, cải thiện đời sống và xóa đói, giảm nghèo cho người dân.

                                                                                                              Mai Ngọc Quý
                                                                                                   Phòng Nông nghiệp và PTNT

Chuyên mục