Giới thiệu  |   Liên hệ   | 
Loading...

 THÔNG TIN LIÊN HỆ

 Văn phòng UBND huyện Phú Thiện
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Ngọc Ngô - Phó Chủ tịch TT UBND huyện Phú Thiện
Giấy phép số: 
Địa chỉ: 05 Quang Trung, thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3 882 226 - FAX: (0269) 3 882 237
Email: ubndphuthien@gialai.gov.vn

Phú Thiện chủ động phòng chống lụt bão

03/07/2013
Các tỉnh Tây Nguyên nói chung và huyện Phú Thiện nói riêng vào những ngày này thời tiết đã và đang bắt đầu vào mùa mưa bão, để chủ động phòng chống lụt, bão, thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do bão, lũ gây ra, năm nay công tác phòng chống lụt bão của huyện Phú Thiện đã được chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra.

Huyện Phú Thiện có địa hình tự nhiên phức tạp, nhiều đồi núi lại có hệ thống kênh mương chằng chịt và nhiều sông suối như: Suối Ia Ake, Ia Sol, Ia Piar, Suối Chrôh Pơ Nan, Suối Chrôh Kra, suối Ia Hiao…. và hồ chứa nước Ayun Hạ. Trong những năm qua thời tiết diễn biến khá phức tạp, trên địa bàn huyện Phú Thiện lụt bão thường xuất hiện nhiều từ tháng 8 đến tháng 10, 11. Vào mùa mưa, khi có những trận mưa lớn đổ về và kết hợp với việc mở nước hồ Ayun Hạ tạo thành một dòng chảy lớn, mạnh đổ về sông Ayun dẫn đến nước dâng lên đột ngột làm ngập lụt một số diện tích hoa màu, khu dân cư, ven sông suối có thể gây thiệt hại về tài sản, tính mạng của người dân. Đặc biệt năm 2009 do ảnh hưởng dồn dập của cơn bão số 9, 10, 11, nhất là cơn bão số 11 xảy ra vào đầu tháng 12 đã gây thiệt hại lớn về cây trồng, vật nuôi, nhà cửa, các công trình công cộng gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

Qua các trận lụt bão đã xảy ra trên địa bàn huyện Phú Thiện cho thấy các xã, thị trấn bị ảnh hưởng ngập lụt thường xuyên chủ yếu ở các khu dân cư sinh sống gần sông, suối…cụ thể như: xã Chư A Thai có làng Plei A Thai; xã Ia Ke các làng Glung A, B, Plei Tăng A, B; xã Ia Sol thôn Ia Jút 1 thường bị lụt ở đoạn đường đi xã Ia Yeng đoạn cầu 42 đến quốc lộ 25; xã Ia Hiao gồm bôn Hoan, bôn Hiếp, bôn Chư K nông, xã Ia Yeng bao gồm làng Plei Kram, Kte Lớn A, B, Kte Nhỏ A, B…

Mùa mưa bão năm 2013 đã đến, theo dự báo của ngành thủy văn, thời tiết năm nay có diễn biến phức tạp, bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có khả năng nhiều hơn trung bình so với các năm trước và xuất hiện sớm. Để chủ động công tác phòng chống lụt bão, ngập úng trong mùa mưa này, Ông Đinh Văn Chinh, chủ tịch UBND xã Ia Sol, trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn xã Ia Sol cho biết: Xã Ia Sol là một trong những địa bàn trọng điểm của huyện thường hay xảy ra ngập úng, lụt bão trong mùa mưa, ngay từ đầu năm, ban chỉ đạo phòng chống bão lụt đã tiến hành nạo vét công thoát nước dọc quốc lộ 25, khu vực trường Tiểu học Lê Lợi, dọc thôn Plei Tel 2. Cùng với đó là sự quan tâm của lãnh đạo UBND huyện, năm 2013 đã cấp kinh phí gần 1 tỷ đồng để sửa chữa nâng cấp 2 dãy phòng học của trường tiểu học Lê Lợi để đảm bảo cho con em trên địa bàn học tập trong mùa mưa bão. Về công tác chuẩn bị của UBND xã Ia Sol ông Chinh cho biết thêm: “xã đã chỉ đạo cho nhân dân trên địa bàn thường xuyên  nạo vét, khơi thông cống rãnh, đặc biệt là khu vực thường xuyên ngập úng như Thôn Ia Jút, thôn Thắng Lợi 1, Thôn Thắng Lợi 4, thôn Hải Hà. Chỉ đạo hợp tác xã, tổ dịch vụ trên địa bàn khơi thông, chỉnh trang lại hệ thống các tuyến đường  GTNT, kênh mương nội đồng. Đặc biệt là hệ thống kênh tiêu, tránh tình trạng thấp nhất việc ngập úng trên địa bàn. Đối với các hộ dân mà sau cơn bão 11 năm 2009. Đặc biệt thôn Ia Jút 1 khu vực giáp  sông A Yun thì chúng tôi cũng đã tuyên truyền, vận động các hộ dân cảnh giác và chuẩn bị tinh thần khi có lũ lớn tràn  về thì phải khẩn trương báo cáo kịp thời về chính  quyền địa phương để kịp thời ứng cứu, những hộ ở vùng thấp thì phải di dời nhà cửa lên vị trí an toàn để tránh ảnh hưởng đến tính mạng cũng như tài sản của bà con trên  địa bàn.”

Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay gia đình bà Phạm Thị Bắc, thôn Ia Jút 1, xã Ia Sol một hộ dân đã từng bị thiệt hại về tài sản do cơn bão số 11 năm 2009 chia sẻ: “năm 2009 gia đình tôi lụt đến nửa nhà, thiệt hại mất vài chục triệu tiền cá và vận dụng nhỏ trong nhà, tới đây, gia đình tôi biết lụt bão từ mấy năm trước rồi giờ mùa mưa phải bán cá đi trước để chống lụt bão, sau hết mưa mới thả lại. Bờ đê, bờ kè, đã được gia đình xây kiên cố lại, ko lo sợ bể nữa. Cứ mỗi lần lũ về, xả đập là chính quyền địa phương, thôn, vào báo từng nhà ở xóm chuẩn bị di dời, chúng tôi nghe chính quyền di dời  đến nơi khác ở cho an toàn.”

Trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp, ngay từ đầu tháng 4 UBND huyện Phú Thiện đã họp củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống lụt bão (PCLB), tìm kiếm cứu nạn (TKCN) cấp huyện, cấp xã và xây dựng triển khai kế hoạch phòng chống lụt bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2013. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và thành lập các tiểu ban phụ trách từng  mặt công tác PCLB, TKCN.  Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn chuẩn bị đầy đủ phương tiện, lực lượng, vật tư, hậu cần,  thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” sẵn sàng đối phó với thiên tai, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra. Huyện đã xây dựng các phương án để ứng phó trước, trong và sau bão lũ xảy ra.

Cùng với việc triển khai phương án phòng chống lụt bão, huyện tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn xây dựng phương án PCLB, phương án TKCN cụ thể, phù hợp với từng đia phương. Tổ chức đánh giá và kiểm tra hiện trạng các công trình trước lũ trên địa bàn để phát hiện hư hỏng và sửa chữa khắc phục kịp thời.

Với phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai cụ thể là: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Đến nay, huyện Phú Thiện đã Xây dựng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão, TKCN cấp huyện năm 2013 gồm có 24 đồng chí ở tất cả các phòng ban, đơn vị và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện do đồng chí Phạm Nhuần Phó chủ tịch thường trực UBND huyện làm trưởng ban chỉ đạo. Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão cấp xã do chủ tịch UBND các, xã, thị trấn làm trưởng ban. Trước khi mưa bão xảy ra ban chỉ đạo tăng cường hướng dẫn các tổ chức và nhân dân các biện pháp phòng chống và tự ứng phó  khi lụt bão xảy ra. Theo kế hoạch về lực lượng giúp dân ứng phó đối với cấp huyện sẽ huy động 46 chiến sỹ của huyện đội, công an huyện, trung tâm y tế huyện. Đối với cấp xã lực lượng giúp dân ứng phó bao gồm dân quân tự vệ địa phương, thanh niên xung kích trên 1200 người. Về phương tiện ứng cứu đã huy động sẵn sàng ô tô, xuồng, ghe của các cơ quan đơn vị trên địa bàn, xuồng ghe của nhân dân, ca nô của của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi Gia Lai và Đội công trình đô thị huyện, chuẩn bị 1 nhà bạt, 70 áo phao. Đồng thời huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp…trên địa bàn huyện có các phương tiện phù hợp để trưng dụng khi có thiên tai xảy ra.

Công tác hậu cần thuốc men, lương thực cứu đói đã được giao cho ngành y tế và Phòng lao động thương binh xã hội huyện chuẩn bị. Ban chỉ đạo đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên và các ngành chức năng có liên quan. Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện là cơ quan thường trực PCLB-TKCN có trách nhiệm chủ động tham mưu kịp thời diễn biến tình hình trước trong và sau bão. Đồng thời đôn đốc kiểm tra nắm bắt thông tin báo cáo Ban chỉ đạo Huyện và Ban Chỉ đạo Tỉnh.

Nói rõ hơn về  công tác phòng chống lụt bão trên địa bàn huyện Phú Thiện, Ông Ksor Dương trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn phó ban thường trực Ban chỉ đạo PCLB và TKCN huyện Phú Thiện cho biết: Hiện tại, bà con nông dân đang tiến hành gieo xạ lúa vụ mùa. Mấy ngày nay ảnh hưởng của cơn bão số 2 nên trời có mưa liên tiếp nhưng nên công tác gieo xạ cũng bị gián đoạn, nhưng không ảnh hưởng nhiều. Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện đã đôn đốc bà con nhân dân tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi khẩn trương đẩy mạnh tiến độ gieo xạ lúa vụ mùa,  quan tâm chăm sóc dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi, chủ động các biện pháp phòng chống ngập úng đồng ruộng, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có bão lụt xảy ra. Ông nói: “Năm 2013 vào đầu tháng 4 chúng tôi đã xây dựng phương án  củng  cố kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống lụt bão, thiên tai, chủ động các trang thiết bị như: ca nô, áo phao, đèn pin, áo mưa, có kế hoạch cụ thể từng xã cũng như ban  chỉ đạo đã họp triển khai chủ động phương châm 4 tại chỗ: cụ thể, nếu có lụt bão xảy ra thì các xã phải chủ động huy động các nguồn lực lực lượng tại chỗ, ăn ở tại chỗ, cứu giúp cho người dân hay nằm trong vùng thiên tai, ngập lụt. Kiên cố hóa kênh mương ngay từ đầu năm, một  số xã đã chủ động được như xã Ia Sol, A Yun Hạ.”

Bệnh cạnh các biện pháp chủ động phòng chống lụt bão, thiên tai, BCĐ phòng chống lụt bão, TKCN huyện cũng đã xây dựng các phương án ứng phó cụ thể với các tình huống có thể xảy ra giao cho các phòng chức năng. UBND các xã, thị trấn cũng đã lập các phương án sớm khắc phục hậu quả bão lũ, ổn định đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Với công tác chuẩn bị chu đáo của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, cùng với ý thức phòng chống lụt bão của người dân, tin tưởng rằng mùa mưa bão năm nay huyện Phú Thiện sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có lụt bão xảy ra../.
                                                                                                                Phạm Thị Mai
                                                                                                                Đài TT-TH Phú Thiện

Chuyên mục