Giới thiệu  |   Liên hệ   | 
Loading...

 THÔNG TIN LIÊN HỆ

 Văn phòng UBND huyện Phú Thiện
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Ngọc Ngô - Phó Chủ tịch TT UBND huyện Phú Thiện
Giấy phép số: 
Địa chỉ: 05 Quang Trung, thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3 882 226 - FAX: (0269) 3 882 237
Email: ubndphuthien@gialai.gov.vn

HUYỆN PHÚ THIỆN: TÍN HIỆU VUI TỪ CHƯƠNG TRÌNH OCOP

07/01/2020
Phát huy thế mạnh của địa phương về sản xuất lúa nước 02 vụ, thời gian qua, được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, sự phấn đấu của các hộ dân trên địa bàn, huyện Phú Thiện đã triển khai nhiều mô hình, dự án, chính sách liên quan, trong đó có Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), mang đậm đặc sản vùng miền. Phấn khởi hơn khi “Gạo Phú Thiện” là 1 trong 45 sản phẩm của toàn tỉnh Gia Lai tham gia chương trình đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp huyện. Đây là nguồn động lực lớn để huyện Phú Thiện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cũng như xây dựng thành công những thương hiệu OCOP trong thời gian tới.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây được coi là giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Thời gian qua, Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã trở thành một phong trào góp phần đánh thức sự năng động, trí tuệ của người nông dân trên địa bàn cả nước. Theo đó, thực hiện Quyết định số 34/QĐ-UBND ngày 23/01/2019 của UBND tỉnh Gia Lai về việc phê duyệt Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030, huyện Phú Thiện đã có nhiều động thái tích cực trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, từ các hoạt động hỗ trợ, thông tin tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc triển khai chương trình đến việc xác định, phát triển, xúc tiến thương mại sản phẩm, dịch vụ OCOP. Sau gần 01 năm thực hiện, trên địa bàn huyện đã có sản phẩm “Gạo Phú Thiện” đạt 3 sao cấp tỉnh. Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai, xã Ia Ake được biết đến là hợp tác xã đi đầu trong việc chung sức xây dựng thương hiệu “gạo Phú Thiện”, nâng tầm giá trị lúa gạo Phú Thiện trên thị trường. Ông Phạm Ngọc Nghĩa - Giám đốc hợp tác xã chia sẻ: “Gạo Phú Thiện đã tiến hành xây dựng thương hiệu cách đây khoảng 3 năm, cho đến bây giờ thì gạo Phú Thiện cũng đang bắt đầu tiến hành xây dựng OCOP. Nếu thực hiện thành công OCOP này thì đây sẽ là cơ hội cho Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai nâng cao giá trị hạt gạo Phú Thiện lên một tầm cao mới và sẽ có nhiều người biết đến, mang lại lợi ích cho người nông dân và cho người tiêu dùng thưởng thức lúa gạo Phú Thiện.”
Ông Bùi Trọng Thành - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phú Thiện, cơ quan chủ trì, hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện Chương trình OCOP cũng cho biết: “Khi triển khai mô hình cánh đồng một giống trên cây lúa thì cũng đã đưa vào thí điểm, sử dụng nhiều chủng giống lúa xác nhận đã qua khảo nghiệm để từng bước thay đổi tập quán canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất của bà con nông dân cũng như nâng cao giá trị thương mại của lúa gạo Phú Thiện. Phòng đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương cách thức xây dựng phương án, kiến thức, kế hoạch kinh doanh, các loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh, kiến thức về thị trường, makerting sản phẩm hàng hóa và sản phẩm OCOP. Thành công bước đầu trong thực hiện Chương trỉnh OCOP là sản phẩm gạo Phú Thiện đạt 3 sao cấp huyện rồi 3 sao cấp tỉnh ”.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP là một chương trình mới, trong quá trình thực hiện cũng đã gặp phải những vướng mắc, khó khăn nhất định. Trên cơ sở đó, phát huy kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, các cấp, các ngành huyện Phú Thiện đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, trong đó, tập trung phát triển 03 nhóm, ngành hàng sản phẩm, dịch vụ OCOP đặc trưng của huyện đến năm 2030 gồm: Nhóm thực phẩm (gạo Phú Thiện, cá thác lác, rau an toàn), nhóm vải và may mặc (vải dệt thổ cẩm) và nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng (là chuỗi sản phẩm du lịch sinh thái: Khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, lễ cúng cầu mưa, hồ sen). Hiện tại, các sản phẩm, dịch vụ này đã nhận được sự đánh giá cao của người tiêu dùng và du khách gần xa. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện cho biết thêm: “Trên cơ sở gạo Phú Thiện đã được công nhận thương hiệu, trong thời gian tới, cùng với việc giữ vững và nâng cao chất lượng gạo Phú Thiện, chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo các ngành, các xã, thị trấn vào cuộc tích cực, trong đó, sẽ tập trung vào các sản phẩm như: chả cá thác lác, thổ cẩm và du lịch nông thôn, đây sẽ là tiền đề quan trọng để tạo sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của nhân dân trên địa bàn.”
Có thể nói, xây dựng Chương trình mỗi xã một sản phẩm đối với “Gạo Phú Thiện” chỉ là bước đầu trong quá trình dài hơi nhằm từng bước quảng bá thế mạnh nông nghiệp địa phương, tạo điều kiện cho chủ thể sản xuất là người nông dân tham gia sâu vào quá trình phân phối sản phẩm, góp phần tăng thu nhập, xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng giàu đẹp. Do đó, nếu tập trung đẩy mạnh xây dựng được thêm nhiều sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, có thương hiệu và có bảo hộ theo Chương trình OCOP thì sẽ tạo ra một kênh phân phối, quảng bá hàng hóa, dịch vụ chất lượng, uy tín trên thị trường. Tin tưởng trong thời gian tới, được sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn và nỗ lực phấn đấu của các tầng lớp nhân dân, huyện Phú Thiện sẽ tiếp tục giữ vững, nâng cao thương hiệu “Gạo Phú Thiện”, đồng thời, triển khai thực hiện thành công Chương trình OCOP đối với các sản phẩm, dịch vụ khác trên địa bàn./.
                                                                                      Kiều Nhi
                                                  Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện

Chuyên mục