I. Khái quát điều kiện tự nhiên
Huyện Phú Thiện được thành lập theo Nghị định số 50/2007/NĐ-CP ngày 30-3-2007 của Chính phủ, huyện Ayun Pa được chia tách để thành lập thị xã Ayun Pa và huyện Phú Thiện. Huyện Phú Thiện nằm phía Đông Nam tỉnh Gia Lai.
Diện tích: 50.516,8 ha.
Dân số trung bình: 79.656 người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 60% (số liệu thống kê năm 2020).
Vị trí địa lý:
- Phía Đông giáp huyện Ia Pa;
- Phía Tây huyện Chư Pưh;
- Phía Nam giáp thị xã Ayun Pa và huyện Ea H'Leo, tỉnh Đắk Lắk;
- Phía Bắc giáp huyện Chư Sê.
Đơn vị hành chính cấp xã, trị trấn: 10 (01 thị trấn, 9 xã).
- Thị trấn: Phú Thiện.
- Các xã: Ayun Hạ, Chrôh Pơnan, Chư A Thai, Ia Ake, Ia Hiao, Ia Piar, Ia Peng, Ia Sol, Ia Yeng.
Có 8 xã, thị trấn có tuyến Quốc lộ 25 đi qua, tuyến đường này bắt đầu từ Quốc lộ 14 nối liền Tây Nguyên với tỉnh Phú Yên và các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ dọc theo Quốc lộ 1A, là một trong những thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
II. Tổng quan kinh tế - văn hoá - xã hội:
Giai đoạn 2015 - 2020, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, huyện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: Quy mô nền kinh tế nhỏ, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp; cơ sở hạ tầng còn yếu kém và chưa đồng bộ; tăng trưởng kinh tế chưa vững chắc; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến bất thường; thu nhập bình quân đầu người thấp, đời sống của một bộ phận nhân dân đang gặp nhiều khó khăn; những yếu tố gây mất ổn định về an ninh chính trị vẫn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư của tỉnh, sự đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong huyện nên việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực, hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đều đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra.
1. Lĩnh vực kinh tế
Kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng hằng năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư
Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm (theo giá so sánh năm 2010) đạt 11,02% (đạt chỉ tiêu Nghị quyết, tăng 2,26% so với năm 2015). Tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) ước thực hiện đến năm 2020 đạt 2.816 tỉ đồng (vượt 0,4% so với Nghị quyết, gấp 1,68 lần so với năm 2015); trong đó: Ngành nông - lâm nghiệp, thủy sản tăng 30%, công nghiệp - xây dựng tăng 109,8%, thương mại - dịch vụ tăng 131,9% (so với năm 2015). Cơ cấu kinh tế (theo giá hiện hành) chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng nông - lâm nghiệp thủy sản chiếm 45,07%, công nghiệp - xây dựng chiếm 21,66%, dịch vụ chiếm 33,27%. Thu nhập bình quân đầu người dự ước tăng từ 15,1 triệu đồng năm 2015 lên 33 triệu đồng năm 2020 (tăng 32% so với chỉ tiêu Nghị quyết, gấp 2,19 lần so với năm 2015).
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt hơn 1.273 tỉ đồng (tăng 0,08% so với Nghị quyết, gấp 1,3 lần so với năm 2015). Chuyển dịch cơ cấu cây trồng được đẩy mạnh; ứng dụng khoa học, công nghệ, các mô hình, đề án vào sản xuất nông nghiệp được chú trọng triển khai, góp phần tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm cây trồng, từng bước tăng thu nhập cho người dân; đã xây dựng thành công nhãn hiệu “Gạo Phú Thiện”. Chăn nuôi phát triển ổn định, mô hình chăn nuôi trang trại khởi sắc cả về số lượng và quy mô.
Công tác xây dựng, củng cố, phát triển hợp tác xã nông nghiệp đã đạt được kết quả nhất định. Số lượng hợp tác xã nông nghiệp tăng theo hằng năm, từng bước hướng đến hoạt động đa mục tiêu, đa hình thức, hình thành các chuỗi giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, được tỉnh chọn xây dựng hợp tác xã điểm. Công tác phát triển doanh nghiệp từng bước khắc phục những khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng được quan tâm chỉ đạo. Công tác trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán được chỉ đạo quyết liệt, bước đầu đạt kết quả tích cực, góp phần tạo nên môi trường xanh, sạch, đẹp tại khu trung tâm các xã, thị trấn. Duy trì tỷ lệ che phủ của rừng đến năm 2020 đạt 30,35%.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng rộng rãi trong nhân dân và đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến cuối năm 2020, huyện có 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Việc xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số theo Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai quyết liệt, đến cuối năm 2020, có 13 làng nông thôn mới. Đề án phát triển kinh tế - xã hội 04 làng Đồn xã Chư A Thai được triển khai quyết liệt và đồng bộ, đến quý II năm 2020, cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 của Đề án.
Công nghiệp - xây dựng tiếp tục tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đến cuối năm 2020 ước đạt khoảng 545,88 tỉ đồng (theo giá so sánh năm 2010, tăng 0,14% so với chỉ tiêu Nghị quyết, gấp 2,1 lần so với năm 2015); tốc độ tăng trưởng bình quân là 14,58%. Sản phẩm công nghiệp của huyện bước đầu đã khẳng định về chất lượng (gạch Tuynen bán dẻo). Cụm công nghiệp của huyện được điều chỉnh, bổ sung quy hoạch ở vị trí mới, tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực công nghiệp của huyện.
Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được quan tâm, tình hình kêu gọi đầu tư chuyển biến tích cực. Hiện nay, trên địa bàn huyện có các dự án đầu tư đang triển khai thực hiện như: Bến xe khách, Nhà máy chế biến gạo, Cụm giáo dục nghề nghiệp và ứng dụng công nghệ, trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao...
Thương mại - dịch vụ phát triển đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (theo giá so sánh năm 2010) đến năm 2020 ước đạt hơn 996,89 tỉ đồng (tăng 0,94% so với chỉ tiêu Nghị quyết và tăng 131,9% so với năm 2015). Các ngành dịch vụ như: Bưu chính viễn thông, bảo hiểm, ngân hàng, phân phối điện… phát triển khá nhanh tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu, hợp tác và phát triển kinh tế trên địa bàn. Hoạt động du lịch được tập trung chỉ đạo, bước đầu đạt kết quả tích cực, nhất là triển khai thực hiện Kế hoạch liên kết, phát triển tuyến du lịch Chư Sê - Phú Thiện.
Hoạt động tài chính, ngân hàng có nhiều tiến bộ, phục vụ hiệu quả hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Thu ngân sách địa phương qua các năm đều đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết (bình quân hằng năm đạt 23,64% so với chỉ tiêu được giao); chi ngân sách đảm bảo theo quy định và ngày càng chặt chẽ, đặc biệt đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo, ưu tiên phát triển giáo dục - đào tạo. Nguồn vốn và các dịch vụ ngân hàng cơ bản đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng thực hiện công tác giảm nghèo ở địa phương. Ngành tín dụng ngân hàng duy trì hiệu quả công tác huy động vốn tại địa phương và các hoạt động tín dụng trên địa bàn.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng qua các năm, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển. Dự ước đến năm 2020, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 689,85 tỷ đồng (tăng 0,12% so với Nghị quyết); tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 38,77%. Tổng vốn đầu tư phát triển (đầu tư công) thuộc ngân sách Nhà nước do huyện quản lý 05 năm (giai đoạn 2015 - 2020) là 414,843 tỷ đồng. Phần lớn các công trình xây dựng cơ bản đã hoàn thành, từ năm 2016 đến nay không có công trình nào bị cắt vốn đầu tư; đường giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Hạ tầng thủy lợi, điện, nước sinh hoạt được chú trọng đầu tư phù hợp với quy hoạch, nhất là các xã vùng đặc biệt khó khăn. Nhiều dự án trọng điểm được đầu tư như: Dự án Nhà máy nước, dự án đường nối Quốc lộ 25 đến Tỉnh lộ 666, Đề án phát triển kinh tế 04 làng Đồn xã Chư A Thai, dự án cầu bắc qua sông Jun… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Công tác quy hoạch thị trấn Phú Thiện trong thời gian qua được quan tâm, đầu tư đến nay về hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, như: Giao thông, quỹ đất để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, các công trình đầu mối, công trình công cộng, văn hóa - xã hội và các khu dân cư.
Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường. Nhận thức và trách nhiệm về công tác bảo vệ môi trường được nâng lên. Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom đạt 66%. Công tác phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được quan tâm chỉ đạo. Tỷ lệ dân cư được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%. Công tác tuyên truyền, vận động người dân, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số giữ gìn vệ sinh môi trường được chỉ đạo quyết liệt; thực hiện có hiệu quả việc vận động người dân di dời chuồng nuôi gia súc dưới gầm sàn nhà ra khu vực khác, làm nhà tắm, nhà vệ sinh..., xây dựng các bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại các cánh đồng trên địa bàn huyện. Đến nay, 07/09 xã cơ bản đã đạt tiêu chí về môi trường (theo bộ tiêu chí về xây dựng xã nông thôn mới). Công tác quy hoạch, quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên đất, khoáng sản, tài nguyên nước được tăng cường, kịp thời xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân được quan tâm chỉ đạo.
2. Lĩnh vực văn hóa - xã hội
Sự nghiệp giáo dục - đào tạo không ngừng phát triển cả về quy mô và chất lượng; hệ thống mạng lưới, cơ sở vật chất, trường lớp được ưu tiên đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa. Triển khai thực hiện đồng bộ việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Công tác tinh giản biên chế, sắp xếp lại trường, lớp được thực hiện theo kế hoạch. Chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng giáo dục mũi nhọn được nâng lên. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia đảm bảo theo đúng tiến độ, dự ước đến cuối năm 2020, toàn huyện có 12 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 30% (vượt 5% so với Nghị quyết). Công tác xã hội hóa giáo dục nhận được sự đồng thuận, chung tay của toàn xã hội, nhất là thực hiện mô hình “trường bán trú theo đặc thù của huyện” đã giảm được số học sinh nghỉ học, bỏ học theo mùa vụ, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.
Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân tiếp tục chuyển biến tích cực. Trung tâm Y tế huyện cơ bản đảm bảo các yêu cầu thiết yếu để phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Công tác y tế dự phòng được đẩy mạnh. Chương trình mục tiêu quốc gia về Y tế - dân số thực hiện có hiệu quả; các bệnh xã hội, dịch bệnh được phát hiện và khống chế kịp thời. Chính sách về Bảo hiểm Y tế được triển khai tích cực, nhất là đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách. Đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, 100% xã có bác sỹ khám, chữa bệnh cho người dân; việc xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về Y tế vượt Nghị quyết đề ra (tăng 50% so với Nghị quyết). Tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm Y tế dự ước năm 2020 đạt 90,87% (tăng 21,16% so với Nghị quyết).
Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin và truyền thông tiếp tục có bước phát triển và đạt được những kết quả tích cực. Hoạt động thông tin và truyền thông có nhiều đổi mới, phục vụ tốt hơn các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ và nhu cầu của người dân. Công tác bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng đi vào chiều sâu và có chất lượng. Văn hóa truyền thống của các dân tộc tiếp tục được giữ gìn và phát huy, phong trào văn nghệ, thể dục, thể thao diễn ra sôi nổi với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực.
Việc thực hiện các chính sách xã hội được quan tâm, đạt được những kết quả quan trọng. Công tác xóa đói, giảm nghèo, nhất là hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, thực hiện có hiệu quả. Công tác đào tạo nghề đã từng bước gắn với nhu cầu; số lao động được tạo việc làm mới nâng lên qua từng năm, bình quân mỗi năm trên 1.300 lao động (có trên 200 lao động đi xuất khẩu lao động có thời hạn). Việc thực hiện các chế độ chính sách đối với gia đình có công với cách mạng, gia đình thương binh - liệt sĩ được quan tâm. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai, thực hiện tốt, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần và mức hưởng thụ văn hóa cho người dân; tỷ lệ hộ gia đình ở khu dân cư sử dụng điện đạt 100%; tỷ lệ thôn, làng, tổ dân phố có loa truyền thanh đạt 100%. Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dân tộc và tôn giáo, tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.
3. Công tác quốc phòng, an ninh, nội chính
Quốc phòng, quân sự địa phương được củng cố, tăng cường. Nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương được nâng lên, thế trận quốc phòng toàn dân ngày càng vững chắc. Các tiềm lực quốc phòng trong khu vực phòng thủ của huyện được quan tâm đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả. Lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên được xây dựng đảm bảo về số lượng và chất lượng. Tổ chức diễn tập hằng năm theo đúng kế hoạch, đạt chất lượng khá. Công tác huấn luyện và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng hằng năm đạt chỉ tiêu. Hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân hằng năm, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng. Chính sách hậu phương quân đội luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đúng mức.
Tình hình an ninh chính trị được giữ vững, ổn định; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của nhân dân tham gia bảo vệ an ninh chính trị, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội trên địa bàn huyện. Nắm chắc tình hình, không để phát sinh điểm nóng về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, không để bị động bất ngờ, đấu tranh vô hiệu hóa với mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bọn phản động, nhất là hoạt động phục hồi tổ chức FULRO, “Tin lành Đê Ga”, lôi kéo người dân tộc thiểu số vượt biên. Chú trọng công tác đảm bảo an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa tư tưởng, an ninh mạng và công tác bảo vệ chính trị nội bộ; ngăn chặn âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Chủ động nắm chắc tình hình, xử lý tốt các vụ việc liên quan đến an ninh nông thôn. Đẩy mạnh, tấn công, trấn áp các loại tội phạm, không để xảy ra tội phạm hoạt động băng, nhóm có tổ chức tại địa phương. Duy trì tốt hoạt động tuần tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông; tai nạn giao thông được kiềm chế. Tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong các tầng lớp nhân dân.
Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được thực hiện kịp thời, theo đúng quy định pháp luật, việc thực hiện quy chế tiếp dân, nhất là người đứng đầu được thực hiện đúng theo quy định; chất lượng giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được nâng lên, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, phức tạp kéo dài, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa, ngăn chặn, không để xảy ra vụ việc tham nhũng, lãng phí có tính nghiêm trọng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện./.