CHUYÊN MỤC

(GLO)- Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI, các sở ngành, địa phương trong tỉnh đã chủ động đề ra nhiều giải pháp thiết thực, đồng bộ, sát với tình hình thực tế nhằm hiện thực hóa các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.
 
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI  xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn phát triển 5 năm tới với 17 nhóm chỉ tiêu chủ yếu, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh 4 chương trình trọng tâm cần triển khai thực hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ.


Mô hình trồng hoa trong nhà lồng, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt ở xã Ia Băng (huyện Đak Đoa). Ảnh: Đức Thụy

Các sở, ngành hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội
 
Ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho rằng: Triển khai thực hiện 4 chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ 2020-2025, với vai trò là “kiến trúc sư trưởng” của nền kinh tế, ngoài đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nguồn lực cho nền kinh tế, tạo thuận lợi cho cá nhân, doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, Sở tiếp tục tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai có hiệu quả Nghị quyết về bảo tồn và phát triển dược liệu, sản xuất rau, hoa và cây ăn quả bằng các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể.
 
Tăng cường đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng có quy mô lớn, mang tính đột phá như: cao tốc quốc lộ 19 nối Cảng Quy Nhơn-Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, đường nối 2 tỉnh Gia Lai-Phú Yên, đường nối thị xã Ayun Pa và huyện Ea Hleo (tỉnh Đak Lak) tạo thuận lợi giao thương, giảm chi phí vận chuyển. Đồng thời, tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư phát triển TP. Pleiku là trung tâm hạt nhân của tỉnh; củng cố các vùng động lực phía Đông (thị xã An Khê), phía Đông Nam (thị xã Ayun Pa), phía Tây Nam (Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh) tạo sự lan tỏa đối với các vùng còn lại của tỉnh.
  
Description: D:\1.jpg
Anh Nguyễn Trung Thành (xã Cửu An, thị xã An Khê) phấn khởi bên vườn cam sành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Mộc Trà
 
Phát biểu bế mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh-nhấn mạnh: Nghị quyết đại biểu vừa biểu quyết nhất trí thông qua là một công trình tập thể, được xây dựng bằng trí tuệ, tâm huyết, nguyện vọng và quyết tâm của toàn Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tinh thần cốt lõi của Nghị quyết là bằng mọi giải pháp, phát huy tối đa các nguồn lực, nhất là nguồn lực con người để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, thực hiện các giải pháp, chương trình trọng tâm đạt kết quả cao nhất nhằm xây dựng Gia Lai ngày càng phát triển.
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh xác định nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn. Do vậy, chương trình hành động cụ thể của ngành Nông nghiệp và PTNT không ngoài nhiệm vụ đưa nông-lâm-thủy sản phát triển nhanh và bền vững. Ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-xác định: Cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ.
 
Nhiệm vụ của ngành là tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng chương trình hành động tạo đột phá trong đầu tư hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư hình thành chuỗi liên kết, sản xuất bền vững, đáp ứng nhu cầu của thị trường, áp dụng công nghệ tiên tiến, quy trình sản xuất hiện đại nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao hướng đến xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, đề xuất hoàn thiện các công trình thủy lợi hỗ trợ nông nghiệp phát triển và xây dựng nông thôn mới. Lồng ghép các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển công nghệ chế biến, thu mua gỗ rừng trồng; xây dựng mục tiêu trồng rừng cao hơn, hiệu quả hơn gắn với chế biến gỗ rừng trồng và sinh kế dưới tán rừng.
 
“Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Sở có trách nhiệm tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng, triển khai các chương trình trọng điểm để cụ thể hóa các chỉ tiêu nghị quyết; tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp bền vững; phát triển kinh tế xanh, kinh tế rừng; khuyến khích doanh nghiệp liên kết với các hợp tác xã để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống nhân dân”-ông Nghĩa nêu phương án.
 
Các địa phương cùng chung tay
Giai đoạn 2020-2025, TP. Pleiku sẽ chú trọng triển khai giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư hướng đến việc xây dựng thành phố phát triển toàn diện, bền vững, thành trung tâm của vùng động lực Tây Nguyên.
 
Ông Nguyễn Hữu Quế-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho rằng: Để làm được điều này, cấp ủy, chính quyền thành phố phải huy động đa dạng các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong nhân dân để đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án: khu đô thị, khách sạn chất lượng cao, nhà phố thương mại, các chợ, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, nông nghiệp công nghệ cao...; kêu gọi đầu tư vào các điểm du lịch như: hồ Diên Hồng, thắng cảnh Biển Hồ, các làng nông thôn mới, hình thành các sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa địa phương... nhằm xây dựng TP. Pleiku là điểm đến du lịch trọng tâm của tỉnh, thu hút du khách trong và ngoài nước.
 
 
Với huyện Krông Pa, ông Tô Văn Chánh-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện-khẳng định: 4 nội dung trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội đề ra, Krông Pa có nhiều ưu thế để hiện thực hóa thành công trong chương trình hành động của địa phương. Về phát triển nông nghiệp, huyện có tiềm năng đất đai rộng lớn, thuận lợi nước tưới từ các công trình thủy lợi. Định hướng ưu tiên phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thì đây là lợi thế lớn của huyện so với nhiều địa phương khác trong tỉnh, nhiều dự án điện mặt trời đã triển khai thành công và nhiều dự án đang được xúc tiến đầu tư.

Liên quan vấn đề an sinh-xã hội, Bí thư Huyện ủy Krông Pa cho biết, Quốc hội đã thông qua chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Huyện Krông Pa còn nhiều khó khăn và có đến 70% dân số là người dân tộc thiểu số. Vì vậy, nếu được quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững thì sẽ giúp địa phương có thêm nguồn lực đầu tư, phát triển bền vững.
 
“Chúng tôi quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVII, đồng thời chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương nhanh chóng triển khai thực hiện nhằm hoàn thành nhiệm vụ phát triển chung của tỉnh trong nhiệm kỳ. Trong quá trình lãnh đạo, tổ chức thực hiện, chúng tôi rất mong sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của tỉnh, nhất là về phát triển kinh tế hạ tầng, an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số”-Bí thư Huyện ủy Krông Pa đề nghị.
                                                                                      Nguông Báo Gia Lai Online
 

Thông tin liên hệ:

  • Thị trấn Phú Thiện - Huyện Phú Thiện - Tỉnh Gia Lai
  • Địa chỉ: Tổ dân phố 8- TT Phú Thiện- Huyện Phú Thiện- Tỉnh Gia Lai
  • Mail:     ttphuthien.phuthien@gialai.gov.vn
  • Tel:      02693882822

Thông tin bản quyền:


Chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Văn Chinh - Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thiện