Giới thiệu  |   Liên hệ   | 
Loading...

 THÔNG TIN LIÊN HỆ

 Văn phòng UBND huyện Phú Thiện
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Ngọc Ngô - Phó Chủ tịch TT UBND huyện Phú Thiện
Giấy phép số: 
Địa chỉ: 05 Quang Trung, thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3 882 226 - FAX: (0269) 3 882 237
Email: ubndphuthien@gialai.gov.vn

SẮC THẮM HOA PƠLANG

03/01/2024
Đến với Tây Nguyên trong dịp đầu xuân, khi nắng vàng từng giọt miên man nhả xuống núi rừng, trong tiết trời ấm áp, du khách sẽ được chiêm ngưỡng sắc hoa Pơ-lang, báo hiệu một mùa xuân đã về nơi phố núi. Cùng với cây Kơ nia thì Pơ-lang cũng là loài cây đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên. Có nơi gọi là hoa gạo, hoa mộc miên, vì thế hoa Pơ-lang là loài hoa của thi ca, mang đậm chất nghệ thuật, biểu trưng của vẻ đẹp mặn mà, khoẻ khoắn của những thiếu nữ vùng đất đầy nắng, gió này. Loài hoa này gắn với một truyền thuyết về mối tình chung thuỷ, sắt son của người con gái Tây Nguyên, chuyện kể rằng:

33.png

Ngày xưa, xưa xưa ấy có một chàng trai nghèo đem lòng yêu cô sơn nữ xinh đẹp. Chuẩn bị đến ngày cưới, thì trời đổ cơn mưa lớn, nước lũ kéo về cuốn phăng ngôi nhà và lễ vật của chàng trai, khiến cho việc nên duyên của đôi bạn trẻ không thành. Dân làng thương tình, tập trung lại trồng cây nêu để chàng lên trời gặp Yàng hỏi rõ sự tình. Ngày ra đi chàng buộc vào tay cô gái dải vải đỏ, mỗi đầu tua có 5 cánh thay cho lời thề son sắt, thuỷ chung.

Lên đến trời chàng gặp Yàng thưa: "Yàng ơi! Sao để trần gian mưa nắng thất thường, làm cuộc sống con người ta gặp nhiều cực khổ, xin Yàng xem xét lại".

Yàng hỏi thần Sấm" Tại sao thần để mưa gió thất thường, làm cho nhân gian lâm vào khổ cực", thần Sấm thưa: " Một mình thần làm không hết việc, nên có lúc sai sót, xin Yàng giữ lại chàng trai này phụ giúp thần". Thế là Yàng chuẩn tấu và truyền lệnh nâng bầu trời xa mặt đất để người hạ giới không lên trời được nữa. Chàng trai không thể quay về được đành chịu ở lại làm thần Mưa. Mỗi lần nhớ người yêu nước mắt chàng lại tuôn trào.

Còn cô gái ngày đêm mong nhớ chàng trai, ngày nào cũng trèo lên cây nêu trông ngóng. Một dịp đầu năm mới Yàng xuống hạ giới, sau khi nghe câu chuyện của cô gái, Yàng cảm động ban cho cô một điều ước. Cô gái thưa: " Xin Yàng cho con biến thành loài cây có rễ bám sâu, thân thẳng, ngọn cao hướng lên trời để con có thể thấy anh ấy, dải vải đỏ biến thành hoa để anh ấy thấy được thần". Thỏa ước  nguyện cô gái gieo mình từ trên cao xuống và biến thành loài hoa có màu sắc đỏ rực biểu hiện tình yêu vĩnh cửu!

Tương truyền mỗi khi dân làng tổ chức lễ hội, thì thường dựng cây nêu giữa sân buôn làng (cây linh thông giữa người và thần linh) và luôn trồng bên cạnh một cây Pơ-lang non, kết thúc lễ hội cây Pơ-lang đó sẽ được di dời trồng sang một chỗ khác, nếu cây non đó phát triển tốt tươi thì chắc chắn những lời nguyện cầu của buôn làng năm đó sẽ thành hiện thực.

Mùa hoa Pơ-lang nở hoa còn là cột mốc để đồng bào biết khi nào Tết đến xuân về. Người Jrai, Ba Na có câu truyền miệng “Thấy Pơ-lang nở biết mùa mới lại về”, mùa mới tức là mùa xuân, mùa Tết, mùa chuẩn bị cho vụ rẫy nương năm mới, mùa của hạnh phúc và yêu thương… Có thể nói trên vùng đất Tây Nguyên, cây Pơ-lang không chỉ là loài cây gần gũi trong cuộc sống hàng ngày, mà còn gắn bó với đời sống tâm linh, đời sống văn hóa và tình cảm của người dân nơi đây. Với người dân Tây Nguyên, Pơ lang là loài hoa của mùa xuân, cũng là tín hiệu của mùa lễ hội; là mùa chuẩn bị cho một vụ nương rẫy mới bắt đầu.  Theo quan niệm của đồng bào Tây Nguyên thì ở buôn làng nào càng có nhiều cây Pơ-lang được trồng thì nơi đó càng giàu mạnh. Và tôi hiểu vì sao Pơlang lại trở thành một loài cây quý, một loài hoa quý; lại được xem như một vị thần canh giữ sự yên ổn cho cuộc sống của các buôn làng đến vậy.
Kpă Loan - Ban Dân vận

Chuyên mục