Cơ sở chế biến thủy sản chả cá thác lác Cô Sáu Ayun Hạ được thành lập từ năm 2010 với vốn điều lệ 50 triệu đồng, gồm 6 thành viên tham gia. Nhận thấy nguồn cá thác lác tự nhiên, phong phú, dồi dào tại lòng Hồ Ayun Hạ, cơ sở đã tập trung phát triển mạnh nghề sản xuất, chế biến, kinh doanh chả cá thác lác. Trung bình hàng năm, cơ sở đã phân phối, cung ứng sản phẩm chả cá thác lác khoảng 1 tấn cho nhân dân trên địa bàn huyện Phú Thiện cùng hơn 4 tấn ra thị trường trong và ngoài tỉnh Gia Lai như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu; sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận thu về trên 150 triệu đồng mỗi năm. Phấn khởi hơn, trong năm 2019, nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của địa phương, Cơ sở chế biến thủy sản chả cá thác lác Cô Sáu Ayun Hạ đã có cơ hội tham gia các Hội chợ xúc tiến thương mại, từ đó, sản phẩm chả cá thác lác mang tên “Cô Sáu Ayun Hạ” được nhiều người tiêu dùng biết đến và nhiều hợp đồng tiêu thụ đã được ký kết. Đến nay, cơ sở đã ký kết hợp đồng với 6 đại lý trong và ngoài tỉnh tiêu thụ chả cá thác lác. Ông Ngô Viết Giỏi - Chủ Cơ sở chế biến thủy sản chả cá thác lác Cô Sáu Ayun Hạ chia sẻ: Với mục tiêu tạo ra khối lượng lớn sản phẩm chả cá chất lượng cao, tươi, nguyên chất màu sắc, mùi vị thơm ngon và đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, khi cơ quan chức năng của huyện Phú Thiện và xã Ayun Hạ thông báo, phổ biến về kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP năm 2020, cơ sở đã đăng ký tham gia chương trình với sản phẩm chả cá thác lác, phấn đấu đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP.
Được thành lập từ năm 2018 với hơn 40 thành viên, vừa qua, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Ayun Hạ đã triển khai thực hiện mô hình nuôi cá thác lác cườm thương phẩm; đồng thời, chế biến chả cá thác lác cung cấp cho thị trường trong huyện và một số địa phương lân cận khoảng 3 tấn mỗi tháng. Tham gia Chương trình OCOP năm 2020, Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Ayun Hạ cũng đã đăng ký sản phẩm chả cá thác lác. Ông Đặng Đức Hiệp – Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Hiện tại, Hợp tác xã đã và đang đầu tư mua sắm, lắp đặt các trang thiết bị như: máy tác xương cá, máy đánh vây cá, máy tạo viên chả cá, mấy sấy, kho lạnh,…cũng như hoàn thiện các hồ sơ liên quan đến nhãn hiệu sản phẩm, hy vọng khi được công nhận sản phẩm OCOP, chả cá thác lác của hợp tác xã sẽ nâng cao giá trị, được người tiêu dùng tin tưởng và thị trường tiêu thụ được mở rộng hơn.
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Thiện, thực hiện Quyết định số 34/QĐ-UBND ngày 23/01/2019 của UBND tỉnh Gia Lai về việc phê duyệt Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030, huyện Phú Thiện đã có nhiều động thái tích cực trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, từ các hoạt động hỗ trợ, thông tin tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc triển khai chương trình đến việc xác định, phát triển, xúc tiến thương mại sản phẩm, dịch vụ OCOP. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có sản phẩm “Gạo Phú Thiện” đạt 3 sao cấp tỉnh. Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP là một chương trình mới, trong quá trình thực hiện cũng đã gặp phải những vướng mắc, khó khăn nhất định. Trên cơ sở đó, phát huy kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, các cấp, các ngành huyện Phú Thiện đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, trong đó, tập trung phát triển 03 nhóm, ngành hàng sản phẩm, dịch vụ OCOP đặc trưng của huyện đến năm 2030 gồm: Nhóm thực phẩm (gạo Phú Thiện, cá thác lác, rau an toàn), nhóm vải và may mặc (vải dệt thổ cẩm) và nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng (là chuỗi sản phẩm du lịch sinh thái: Khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, lễ cúng cầu mưa, hồ sen). Hiện tại, các sản phẩm, dịch vụ này, trong đó, có sản phẩm chả cá thác lác đã nhận được sự đánh giá cao của người tiêu dùng và du khách gần xa.
Tin tưởng với việc tham gia Chương trình OCOP, các cơ sở chế biến thủy sản, hợp tác xã trên địa bàn huyện sẽ có thêm nhiều cơ hội nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần quảng bá hàng hóa, dịch vụ đặc trưng trên địa bàn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện./.
Kiều Nhi
Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện