Giới thiệu  |   Liên hệ   | 
Loading...

 THÔNG TIN LIÊN HỆ

 Văn phòng UBND huyện Phú Thiện
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Ngọc Ngô - Phó Chủ tịch TT UBND huyện Phú Thiện
Giấy phép số: 
Địa chỉ: 05 Quang Trung, thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3 882 226 - FAX: (0269) 3 882 237
Email: ubndphuthien@gialai.gov.vn

Nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức – Quyết tâm xây dựng huyện Phú Thiện phát triển toàn diện

24/03/2017
Huyện Phú Thiện được thành lập sau khi tách ra từ huyện Ayun Pa cũ ngày 26 tháng 04 năm 2007 theo nghị định số 50/2007/NĐ-CP của Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời với việc thành lập thị xã Ayun Pa. Trước đây Phú Thiện là thị trấn nhỏ của huyện Ayun Pa, nằm ở vị trí đông nam tỉnh Gia Lai, trên đường Quốc lộ 7 (nay là Quốc lộ 25) nối từ thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê) đi Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), là tiền thân của huyện Ayun Pa cũ, toàn bộ diện tích huyện Phú Thiện nằm gọn trong lòng chảo nơi có con sông Yun bắt nguồn từ cao nguyên Kon Tum chảy qua. Huyện Phú Thiện có diện tích 50.191 ha và 79.569 người, bao gồm 10 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 1 thị trấn Phú Thiện và 9 xã: Ayun Hạ, Chrôh Pơnan, Chư A Thai, Ia Ake, Ia Hiao, Ia Piar, Ia Peng, Ia Sol, Ia Yeng. 10 năm kiến thiết và xây dựng, thời gian chưa đủ dài nhưng Đảng bộ và nhân dân huyện Phú Thiện luôn đoàn kết, vượt lên bao gian khó, huy động các nguồn lực, khơi dậy tiềm năng thế mạnh đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, xã hội, xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân; tăng cường củng cố hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; bảo đảm quốc phòng an ninh, góp phần xây dựng huyện ổn định và phát triển.

Đồng chí Đỗ Ngọc Thành - Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện


Bám sát định hướng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Qua các nhiệm kỳ Đại hội, đến nay huyện Phú Thiện đã đạt được những thành tựu nổi bật, làm thay đỗi cơ bản diện mạo của huyện.

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá và đạt được những kết quả quan trọng, đến năm 2016, tổng giá trị sản xuất ước đạt 1. 854,32 tỉ đồng, tăng 12,8% và gấp 3 lần so với năm 2007, tăng trưởng bình quân 12,8%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tỉ trọng nông - lâm nghiệp thủy sản chiếm 55,72%, công nghiệp - xây dựng 16,96% và thương mại dịch vụ chiếm 27,32%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 16,34 triệu đồng, hơn 2 lần so với năm 2007. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn năm 2016 ước đạt 220,746 tỉ đồng, gấp 3 lần so với năm 2007.

Văn hóa-xã hội được quan tâm thực hiện và tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, sự nghiệp giáo dục - đào tạo không ngừng phát triển cả về quy mô, chất lượng, đến nay, toàn huyện có 43 trường học ở bốn bậc học với 18.316 học sinh, tăng 12 trường so với năm 2007, có 04 trường học đạt chuẩn quốc gia. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, nhất là các đối tượng thuộc diện chính sách và người nghèo được quan tâm thực hiện, đến nay, tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 75%; có 4 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Trung tâm y tế huyện được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2009 với 30 giường bệnh, đến nay đã đạt 65 giường bệnh và có 10/10 Trạm y tế xã có Bác sĩ nên đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, chất lượng khám chữa bệnh và y đức ngày càng được nâng lên. Việc thực hiện các chính sách xã hội được đặc biệt quan tâm, đạt được những kết quả rất quan trọng; tỉ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2016 chỉ còn 21,17 % hộ nghèo (theo tiêu chí đa chiều).

Công tác Quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; An ninh chính trị tiếp tục được giữ vững ổn định; trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với “thế trận lòng dân” ngày càng được củng cố vững chắc. Tình hình an ninh chính trị tiếp tục được giữ vững sự ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Công tác xây dựng Đảng được xác định là nhiệm vụ then chốt và đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả. Qua 10 năm, Đảng bộ huyện đã kết nạp được 1.229 đảng viên, nâng tổng số đảng viên của toàn Đảng bộ huyện từ 968 lên 2.242 đảng viên và 38 tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ huyện; xóa hết thôn, làng trắng về Đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát và công tác dân vận của Đảng ngày càng đi vào chiều sâu và có chất lượng. Công tác xây dựng chính quyền từ huyện đến cơ sở được quan tâm; thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành. Dân chủ được phát huy, khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có sự chuyển biến tích cực.

Những kết quả quan trọng đã đạt được qua gần 10 năm thành lập huyện sẽ là tiền đề quan trọng để tiếp tục xây dựng huyện Phú Thiện phát triển bền vững. Tuy nhiên, để tiếp tục xây dựng huyện Phú Thiện phát triển nhanh và bền vững, huyện phải quyết tâm vượt qua những thách thức, đó là:

Thứ nhất, tình trạng mất cân đối về kinh tế còn ở mức cao: Thu ngân sách của huyện bình quân chỉ đạt gần 10% nhu cầu chi và hơn 90% ngân sách của huyện phụ thuộc vào ngân sách của tỉnh. Từ đó, chi đầu tư phát triển còn thấp, chi thường xuyên vẫn ở mức cao trong khi đó nguồn thu cấn đối ngân sách của huyện có đạt nhưng giá trị chưa nhiều.

Thứ hai, xuất phát điểm về kinh tế - xã hội của huyện vẫn còn thấp và vẫn là huyện nghèo của tỉnh; quy mô của nền kinh tế nhỏ bé; là huyện chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhưng thị trường tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, giá cả bấp bênh; cơ sở hạ tầng vẫn còn yếu kém và chưa đồng bộ; tăng trưởng kinh tế chưa vững chắc; chất lượng kinh tế tập thể và chất lượng hoạt động của các hợp tác xã chưa cao.

Thứ ba, một số vấn đề về văn hóa - xã hội còn nhiều khó khăn, hạn chế: giáo dục chưa đồng đều giữa các vùng; hộ nghèo toàn huyện còn cao, nhất là hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số của huyện còn chiếm tới 68% số hộ nghèo toàn huyện; thu nhập bình quân đầu người đạt thấp, chưa bằng một nửa bình quân chung của tỉnh; đời sống của một bộ phận nhân dân đang gặp nhiều khó khăn.

Thứ tư, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chống phá trên mọi lĩnh vực nên tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định về an ninh chính trị và diễn biến phức tạp, khó lường.

Thứ năm, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, Đảng viên còn diễn ra; hệ thống chính trị có những mặt chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đây là những thách thức lớn đòi hỏi huyện Phú Thiện phải có các chiến lược, giải pháp cụ thể và phải có sự đột phá để quyết tâm vượt qua thách thức,  xây dựng huyện Phú Thiện phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020, huyện đã xác định sáu nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy sự phát triển của huyện Phú Thiện trên các lĩnh vực; trong đó, để tạo sự đột phá, huyện sẽ tập trung mạnh cho các mục tiêu quan trọng, đó là: “phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, cải cách hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ”. Trên tinh thần đó, trong thời gian tới cùng với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và làm tốt công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, huyện sẽ tập trung đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả một số nội dung chủ yếu như sau:

Một là, tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội với phương châm “hạ tầng đi trước, kinh tế đi sau”. Huyện sẽ tiếp tục rà soát lại toàn bộ quy hoạch tổng thể để xác định rõ từng công trình hạ tầng, cấp đầu tư, công trình nào sẽ đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, công trình nào sẽ thực hiện xã hội hóa; đồng thời, nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo đảm hiệu quả tính hệ thống, nhất là mạng lưới giao thông, điện, nước, thủy lợi, thông tin, giáo dục, y tế. Tiếp tục đổi mới phương thức huy động và quản lý sử dụng vốn đầu tư trong xây dựng cơ bản, ưu tiên trước hết cho các công trình trọng điểm, công trình đang thi công để hoàn thành đưa vào khai thác, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải. Từng bước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho tư nhân đầu tư phát triển hạ tầng gắn với phát triển các ngành, các sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng phát triển của huyện.

Hai là, trong những năm đến, nông nghiệp vẫn giữ vị trí hàng đầu trong phát triển kinh tế của huyện và xác định rõ: xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, trong đó, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện là khâu đột phá. Phấn đấu đến cuối năm 2020, có 6/9 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đáp ứng theo nhu cầu thị trường trên cơ sở phát huy các nông sản hàng hóa lợi thế của huyện. Khuyến khích và ưu tiên đầu tư kinh phí để thực hiện các dự án khuyến nông, hỗ trợ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Xây dựng và nhân rộng mô hình “cánh đồng lớn một giống” đối với cây lúa, “cánh đồng lớn” đối với cây mía và “cánh đồng rau sạch” gắn với việc củng cố, sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, ưu tiên các hợp tác xã nông nghiệp theo mô hình Hợp tác xã kiểu mới để làm dịch vụ đầu vào và đầu ra trong sản xuất nông nghiệp và thực sự là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp trong cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Huyện tiếp tục chủ động phối hợp, liên kết chặt chẽ với Công ty cổ phần mía đường - nhiệt điện Gia Lai để nâng cao năng suất, chất lượng cây mía, trong đó, tập trung nâng cao chất lượng mía giống, cơ giới hóa và chủ động nguồn nước tưới cho cây mía nhằm nâng cao giá trị thu nhập cho người trồng mía. Quy hoạch và đầu tư hệ thống kênh dẫn nước tưới và vùng trồng mía giống để chủ động cung cấp giống mía đảm bảo năng suất, chất lượng cho nông dân trồng mía trong huyện và trong vùng nguyên liệu của nhà máy; ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ của khoa học kĩ thuật ngay từ khâu làm đất, chăm sóc và thu hoạch; phối hợp với nhà máy và vận động nhân dân trồng mía theo mùa vụ và tiến độ xuống giống để đảm bảo theo công suất tiêu thụ của nhà máy.

Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa và khuyến khích các mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại đối các vật nuôi chủ lực của huyện là bò và heo; đa dạng hóa các vật nuôi khác theo nhu cầu của thị trường; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, nhất là khâu giống và kĩ thuật chăm sóc để giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh, tạo ra thực phẩm sạch, an toàn và mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

Mở rộng các hình thức liên kết trong sản xuất, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường cho nông sản của huyện, tạo tiền đề để từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của huyện, trước hết là thương hiệu “Gạo Phú Thiện”.

Ba là, đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện theo hướng văn minh, hiện đại với sự đa dạng của các loại hình dịch vụ và phương thức kinh doanh, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và phục vụ đời sống của nhân dân. Quy hoạch và đầu tư xây dựng các điểm thương mại - dịch vụ ở các cụm đông dân cư và là trung tâm của một số xã trên tuyến quốc lộ 25 thuộc địa bàn huyện gắn với các loại hình thương mại phong phú và quy hoạch xây dựng chợ nông thôn theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa có chất lượng và giao thương hàng tự tiêu, tự sản cho nông dân. Xúc tiến kêu gọi đầu tư dự án “siêu thị tổng hợp” tại trung tâm huyện nhằm cung ứng các loại hàng hóa phong phú, có chất lượng và các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế lớn về nguyên liệu phục vụ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi nên huyện sẽ kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, tạo ra giá thành cạnh tranh để phục vụ chăn nuôi tại huyện và khu vực. Phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh để kết nối với các địa điểm du lịch trong tỉnh nhằm phát huy tối đa giá trị của lòng hồ Ayun Hạ, di tích lịch sử - văn hóa Plei Ơi và các lễ hội truyền thống giàu bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số Tây nguyên vào mục đích du lịch bền vững.

Bốn là, chú trọng nâng cao chất lượng Giáo dục, y tế và thực hiện tốt các chính sách xã hội. Tiếp tục tăng cường các biện pháp để xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các mức độ theo từng bậc học, hạn chế thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học, phấn đấu từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng trong huyện, tăng cường các lớp bán trú ở địa bàn có đông học sinh dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa của huyện. Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, chủ động phòng chống dịch bệnh, không để lây lan trong cộng đồng; phối hợp nâng cấp khả năng khám chữa bệnh của Trung tâm y tế huyện lên 100 giường bệnh, đạt 10 giường bệnh/vạn dân và 04 bác sĩ/vạn dân, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, trẻ em và gia đình chính sách trong công tác khám, chữa bệnh. Chú trọng làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo với phương thức “phân công cụ thể cho từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên ưu tú và có kinh nghiệm trong trồng trọt và chăn nuôi để cùng đồng hành với người nghèo trong việc xác định trồng cây gì? Nuôi con gì? chăm sóc, tiêu thụ như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất và vươn lên thoát nghèo bền vững”, nhất là các hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, phấn đấu hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo. Cương quyết thực hiện nghiêm, công khai, minh bạch và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo đúng quy định của pháp luật[1], trong đó chú trọng thực hiện theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” và tiến tới là “một cửa liên thông hiện đại”, đầu tư và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để phục vụ cải cách hành chính. Cương quyết không để xảy ra tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các giao dịch hành chính. Tập trung nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và ý thức, thái độ phục vụ nhân dân cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; nếu cán bộ công chức, viên chức thực hiện thủ tục hành chính quá thời hạn thì thủ trưởng cơ quan phải thông báo rõ thời hạn trả kết quả lần sau và phải công khai xin lỗi cá nhân, tổ chức; tiến tới chủ động tìm đến tổ chức, doanh nghiệp và công dân để hướng dẫn các thủ tục hành chính và thực hiện thủ tục hành chính nhanh và hiệu quả nhất, đáp ứng được sự hài lòng của tổ chức, doanh nghiệp và công dân.

Sáu là, phấn đấu xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ của huyện cơ bản vững chắc trong tình hình mới; nắm chắc tình hình, vô hiệu hóa mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong hoặc đối tượng cơ hội chính trị; nòng cốt là đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, nhất là ở những địa bàn trọng điểm về an ninh, trật tự.

Bảy là, thường xuyên coi trọng xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Công tác xây dựng Đảng về tư tưởng - chính trị phải nhằm nâng cao nhận thức và hành động, xây dựng và củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng trên cơ sở nguyên tắc Điều lệ Đảng; đẩy mạnh đấu tranh tự phê bình và phê bình trong Đảng; tăng cường các biện pháp giáo dục đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên và nâng cao tinh thần đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, tư tưởng và hành vi cơ hội gắn với tổ chức thực hiện có hiệu quả việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt ở các chi bộ Đảng; thường xuyên giáo dục, rèn luyện và quản lý cán bộ, đảng viên nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, tính chiến đấu, trình độ và năng lực công tác gắn với tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” trong toàn Đảng bộ một cách có hiệu quả.  Xác định công tác xây dựng Đảng là then chốt, trong đó, công tác cán bộ là khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng. Vì vậy, phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ; thường xuyên rà soát, bổ sung quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn cán bộ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Kiên quyết xử lí những vi phạm của cán bộ, đảng viên, không bố trí những cán bộ, đảng viên vi phạm sang các vị trí cao hơn ở các cơ quan khác; phát huy và tăng cường công tác dân vận của Đảng trong tình hình mới. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng các cấp, trước hết là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, thực hiện nghiêm quy chế làm việc của cấp ủy, làm việc phải có chương trình, kế hoạch, có trọng tâm trọng điểm; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào phục vụ các hoạt động của cấp ủy nhằm truyền tải thông tin nhanh hơn và tiết kiệm chi phí. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đối với Mặt trận và các đoàn thể huyện để phát huy tối đa vai trò giám sát và phản biện xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của huyện.

Với sự đoàn kết, thống nhất của các dân tộc anh em trên địa bàn và sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, huyện Phú Thiện sẽ phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới./.

 

Chuyên mục