Giới thiệu  |   Liên hệ   | 
Loading...

 THÔNG TIN LIÊN HỆ

 Văn phòng UBND huyện Phú Thiện
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Ngọc Ngô - Phó Chủ tịch TT UBND huyện Phú Thiện
Giấy phép số: 
Địa chỉ: 05 Quang Trung, thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3 882 226 - FAX: (0269) 3 882 237
Email: ubndphuthien@gialai.gov.vn

Đổi thay tại 4 làng đồng bào DTTS xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện sau thực hiện giai đoạn II Đề án phát triển kinh tế - xã hội

05/04/2024
Trong giai đoạn I (2017-2020) Đề án phát triển kinh tế - xã hội, huyện Phú Thiện tập trung các nguồn lực thực hiện việc di dời, bố trí, sắp xếp lại dân cư theo quy hoạch tại 4 làng Đồn của xã Chư A Thai gồm: Plei Pông, Kinh Pênh, Plei Trớ và Plei Hek cũng như di dời toàn bộ dân cư sinh sống trên núi Cheng Leng thuộc địa phận huyện Chư Sê về an cư tại Plei Hek. Tiếp tục triển khai giai đoạn II của Đề án này, các cơ quan chuyên môn của huyện đã căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của mình, thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ về cây, con giống, kỹ thuật canh tác mới, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, giúp người dân tại đây phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, chung sức trong hoạt động giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Quang-canh-tong-ket-giai-doan-2-cua-De-an-phat-trien-KTXH-4-lang-Don-(2).jpg

Với hơn 420 hộ dân, chiếm chủ yếu là hộ đồng bào dân tộc Bahnar, tuy nhiên, tổng diện tích đất canh tác của nhân dân 4 làng Đồn xã Chư A Thai chỉ có 166ha, đa số là đất canh tác kém hiệu quả, không chủ động được nguồn nước tưới, cùng với đó, do tập quán canh tác còn lạc hậu, chưa biết sử dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác nên năng suất, sản lượng thu hoạch của các loại cây trồng tương đối thấp, việc này đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập cũng như đời sống của bà con nhân dân tại đây.

Trước thực trạng đó, triển khai giai đoạn II của Đề án phát triển kinh tế - xã hội 4 làng Đồn xã Chư A Thai, các cơ quan chuyên môn huyện Phú Thiện đã thực hiện 3 mô hình phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại đây, cụ thể là các mô hình lúa cạn, mì cao sản KM94, cây điều ghép. Đến nay, các mô hình đã mang lại năng suất, sản lượng khả quan, thu nhập bình quân đạt từ 50 đến 65 triệu đồng/ha, gấp 3 đến 4 lần so với phương thức canh tác truyền thống. Ông Rmah Cư – Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Thiện cho biết: “Các mô hình đã giúp nâng cao nhận thức và thay đổi tập quán lạc hậu, giúp cho các hộ nghèo được tiếp cận, phát huy hiệu quả việc sử dụng giống mới kháng được sâu bệnh hại, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát huy nguồn lao động sẵn có tại địa phương, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho bà con”.

Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn trên địa bàn huyện Phú Thiện cũng đã đẩy mạnh việc hỗ trợ con giống cho bà con tại đây chăn nuôi như: hỗ trợ 52 con bò, 72 con dê, đến nay, vật nuôi phát triển tốt và bắt đầu sinh sản. Phấn khởi hơn, nhờ lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án mà hiện tại, các hộ dân tại 4 làng Đồn xã Chư A Thai đều biết làm vườn rau ranh để cải thiện bữa ăn hàng ngày, trồng hoa, trồng cây xanh trong khuôn viên nhà và dọc các tuyến đường chính trong các thôn, tỷ lệ hộ dân di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn đạt 100%. Ông Đỗ Xuân Ưa –  Phó Chủ tịch UBMTTQVN huyện Phú Thiện cho hay: “Vận động nhân dân đăng kí xây dựng làng văn hóa, xây dựng khu dân cư văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường và cải tạo vườn tạp trồng rau xanh, vận động nhân dân thực hiện tốt nội dung các tiêu chí của bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, qua đó, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao được đời sống vật chất và tinh thần cho bà con nhân dân tại 4 làng đồn”.

Theo thông tin từ lãnh đạo Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Thiện: “Hiện nay, dư nợ vay vốn của xã Chư A Thai đứng thứ 5 trên 10 xã, thị trấn. Tổng dư nợ toàn huyện đạt 391 tỷ 301 triệu đồng thì xã Chư A Thai đạt 39 tỷ 699 triệu đồng. 2 năm vừa qua, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện chủ yếu tập trung 2 xã thuộc vùng III  đó là xã Ia Yeng và xã Chư A Thai, tập trung mọi nguồn lực tức là có vốn, tranh thủ vốn của cấp trên chuyển về là ngân hàng lúc nào cũng ưu tiên nguồn vốn này cho 2 xã Ia Yeng và xã Chư A Thai, đặc biệt là xã Chư A Thai trong công tác triển khai vay vốn cho 4 làng đồn, do đó, quá trình triển khai Ngân hàng cũng đã phối hợp chặt chẽ với hội đoàn thể, với chính quyền xã cố gắng đi tuyên truyền, vận động từng hộ để bà con có điều kiện vay vốn, có nhu cầu là Ngân hàng giải quyết được hết”.

Plei-Hek-nhin-tu-tren-cao-(1).jpg
Plei Hek nhìn từ trên cao
 
Sau hơn 3 năm triển khai giai đoạn II (2021-2023) của Đề án phát triển kinh tế - xã hội tại 4 làng Đồn xã Chư A Thai, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, nhiều hộ dân đã mạnh dạn triển khai các mô hình phát triển kinh tế như: trồng khoai lang Nhật, làm lúa nước 2 vụ, trồng mì cao sản hay mua bò lai về chăn nuôi, cải thiện đáng kể nguồn thu nhập cho gia đình. Trong đó, phấn khởi nhất là tỷ lệ hộ nghèo tại 4 làng Đồn đã thực hiện đạt và vượt kế hoạch giảm nghèo do cấp trên đề ra với mức giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 16,35% giảm xuống còn 5,11% và phấn đấu trong năm 2024, 4 làng Đồn sẽ đạt chuẩn nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để chung sức đưa xã Chư A Thai về đích nông thôn mới trong năm 2024 theo kế hoạch. Ông Đinh Tuy – Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Plei Pông, xã Chư A Thai chia sẻ: “Trong những năm vừa qua, được sự quan tâm của của cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện, xã đã vận động và hỗ trợ, đời sống của bà con đã có nhiều thay đổi tích cực, đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện kế hoạch sắp xếp nhà ở, đưa chuồng trại gia súc ra khỏi gầm nhà sàn, làm vườn trồng rau để phục vụ đời sống, dân làng đều đã đồng thuận, đồng lòng”.

Ông Siu Tinh – Chủ tịch UBND xã Chư A Thai cho biết thêm: “Trong thời gian 3 năm triển khai thực hiện Đề án, đời sống của nhân dân 4 làng Đồn đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của xã nhà. Sau 3 năm triển khai tỷ lệ giảm nghèo tại 4 làng Đồn có chuyển biến rõ nét, cơ bản giảm được 10, 68%; 4 làng đồn về tiêu chí nông thôn mới thì 3 làng Pông, Trớ, Hek đã đạt thêm 2 tiêu chí, nâng tổng số tiêu chí đạt là 13, 14 trên 19 tiêu chí”.

 Có thể thấy, thực hiện giai đoạn II của Đề án phát triển kinh tế - xã hội 4 làng Đồn xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện đã tận dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung sức đồng lòng của người dân trên địa bàn, nhờ đó, bộ mặt 4 làng Đồn ngày càng khang trang, khởi sắc, người dân đã có ý thức tự vươn lên, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, biết cách quy hoạch sản xuất, dành dụm tiết kiệm để chăm lo cuộc sống gia đình. Đánh giá về những kết quả khả quan trong giai đoạn II của Đề án này, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Chúng ta tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện xử lý tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cũng như những tồn tại mà Đề án đã nêu, làm sao đấy để nhân dân 4 làng Đồn mặc dù là kết thúc 2 giai đoạn rồi nhưng cái đời sống thực sự có thay đổi, thu nhập nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống, nông thôn mới được thay đổi và phát triển, đáp ứng các tiêu chí đã đề ra”.

Tuy các nhiệm vụ trong giai đoạn II của đề án đã kết thúc nhưng với mục đích tạo tiền đề, bố trí các điểm thuận lợi để người dân 4 làng Đồn của xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống, do đó, với sự hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành trong thời gian qua, tin tưởng sẽ tạo tác động lớn để người dân nơi đây từng bước bức phá, kéo dần khoảng cách phát triển với các địa phương khác trên địa bàn huyện.
Kiều Nhi

Chuyên mục