Giới thiệu  |   Liên hệ   | 
Loading...

 THÔNG TIN LIÊN HỆ

 Văn phòng UBND huyện Phú Thiện
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Ngọc Ngô - Phó Chủ tịch TT UBND huyện Phú Thiện
Giấy phép số: 
Địa chỉ: 05 Quang Trung, thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3 882 226 - FAX: (0269) 3 882 237
Email: ubndphuthien@gialai.gov.vn

Hội nghị triển khai, quán triệt Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ

14/02/2020
Chiều ngày 11/02/2020, UBND huyện Phú Thiện đã tổ chức Hội nghị   triển khai, quán triệt thực hiện Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai. Đồng chí Nguyễn Ngọc Ngô – Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị là đại diện Thường trực Ủy ban MTTQVN và các đoàn thể huyện; lãnh đạo một số cơ quan chuyên môn thuộc huyện; lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQVN và công chức địa chính – xây dựng, công chức tư pháp các xã, thị trấn. 

Theo đó, Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai, thay thế Nghị định 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai bao gồm vi phạm trong sử dụng đất và vi phạm trong thực hiện dịch vụ về đất đai.
Khác với Nghị định 102/2014/NĐ-CP, Nghị định 91 quy định các mức phạt đối với hầu hết các hành vi vi phạm riêng cho khu vực nông thôn, đô thị và tăng mạnh mức phạt tiền với tất cả các hành vi vi phạm. Dưới đây là những điểm mới của Nghị định 91/2019:
Một là, tự ý chuyển đất trồng lúa sang đất ở phạt tiền đến 01 tỷ đồng: Theo khoản 3, 4 Điều 9 Nghị định 91/2019, chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp (trong đó có đất ở) tại khu vực nông thôn và đô thị mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì phạt tiền theo diện tích tự ý chuyển.
Hai là, bỏ hoang đất bị phạt tiền: Đây là một trong những nội dung mới đáng chú ý nhất của Nghị định 91/2019/NĐ-CP. Theo khoản 1 Điều 32 Nghị định 91/2019, hành vi không sử dụng đất trồng cây hàng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục mà không thuộc trường hợp bất khả kháng bị xử phạt. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc sử dụng đất theo mục đích được Nhà nuớc giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất; trường hợp đã bị xử phạt mà không đưa đất vào sử dụng thì sẽ bị Nhà nước thu hồi.
Ba là, mua bán đất không có Sổ đỏ sẽ bị phạt nặng: Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định: Người sử dụng đất được chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau: Có Giấy chứng nhận; Đất không có tranh chấp; Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; Trong thời hạn sử dụng đất.
Bốn là, không sang tên GCNQSD đất bị phạt tới 20 triệu đồng: Khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai 2013 quy định: Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất phải đăng ký biến động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày xảy ra biến động (thường sẽ là ngày hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho có hiệu lực).
Năm là, lấn, chiếm đất bị phạt tới 1 tỷ đồng: Theo khoản 3 Điều 14 Nghị định 91/2019, trường hợp lấn, chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn, trừ trường hợp lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình và đất công trình có hành lang bảo vệ, đất trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức thì bị xử phạt.
Sáu là, lần đầu tiên quy định rõ hành vi hủy hoại đất: Theo khoản 3 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.
Bảy là, bổ sung thêm nhiều biện pháp khắc phục hậu quả: Nghị định 102/2014/NĐ-CP không có điều khoản quy định riêng về các biện pháp khắc phục hậu quả khi vi phạm mà quy định biện pháp khắc phục hậu quả theo từng hành vi vi phạm. Trong đó, chủ yếu gồm 03 biện pháp: Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm; bộc nộp lại số lợi bất hợp pháp; buộc trả lại diện tích đất đã nhận. Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 91/2019, các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định rõ hơn và được bổ sung thêm nhiều biện pháp.
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Ngô – Phó Chủ tịch UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền phổ biến cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn vê nội dung Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện trường hợp để tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai diễn ra tại địa bàn quản lý mà không xử lý kịp thời hoặc không báo cáo cơ quan có thẩm quyền đối với các trường hợp vượt quá thẩm quyền quy định.
Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tư pháp, Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện phối hợp với Ủy ban MTTQVN và các đoàn thể huyện, Hội đồng phối hợp phố biến, giáo dục pháp luật huyện, UBND các xã, thị trấn triển khai, tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ./.
 
Văn Đức
Văn phòng HĐND-UBND

Chuyên mục