CHUYÊN MỤC

Rời xa không khí ồn ào, náo nhiệt chốn thị thành, Du khách có thể thể dễ dàng di chuyển từ trung tâm TP.Pleiku (Gia Lai) vượt lên ngọn núi lửa Hàm Rồng nguội lạnh hàng triệu năm qua, xuôi về phía Đông Nam, vượt qua đèo Chư Sê hùng vỹ, uy nghiêm, uốn lượn, điệp trùng mà thăm thẳm hơi sương của mùa Tây Nguyên đang vào mùa trở gió là vùng thung lũng bình nguyên rộng lớn, trải dài theo Quốc lộ 25 phủ đầy màu xanh của cây trái và ruộng đồng màu mỡ, nơi đã từng tồn tại Vương quốc Hỏa Xa- một nhà nước sơ khai đầu tiên của dân tộc Jarai. Nơi ấy, từ hàng trăm năm qua đã định hình cho những khu vực dân cư bản địa trù phú và đọng lại trong mình phong vị văn hóa bản địa đặc sắc. Làng văn hóa Plei Ơi, một ngôi làng của người Jrai- xã Ayun Hạ- huyện Phú Thiện nằm khiêm tốn phía trong con kênh chính hàng năm vẫn đều đặn lấy nước của dòng Ayun hiền hòa, xanh mát tưới mát cho hàng ngàn ha cánh đồng huyện Phú Thiện.


Cổng vào Làng văn hóa Plei Ơi- Khu Di tích lịch sử- văn hóa Quốc gia Plei Ơi . Ảnh: Phạm Thủy.
Vào những dịp nghỉ Lễ 30/4- 1/5 hàng năm, với những ưu đãi của thiên nhiên cùng bàn tay kiến tạo của con người, con người ta luôn muốn tìm về những vùng quê yên bình, thanh  thản và không kém phần huyền bí, linh thiêng. Đó là khu Di tích Lịch sử - Văn hóa Plei Ơi; những du khách ngoài Tỉnh, nhân dân trên địa bàn Huyện Phú Thiện nói chung va nhân dân địa bàn xã Ayun Hạ nói riêng sẽ được chìm đắm trong không gian lễ hội thiêng liêng và cổ kính, cùng thưởng thức những khung cảnh thiên nhiên rộng lớn, hùng vĩ, mà thơ mộng trong tuor du lịch: Di tích lịch sử- văn hóa Quốc gia Plei Ơi- Du lịch sinh thái Hồ thủy lợi Ayun Hạ, Chùa Quang Sơn, Ayun Hạ.
2.jpg
3.jpg
4.jpg
Một số hình ảnh địa điểm du lịch tại Làng văn hóa Plei Ơi . Ảnh: Phạm Thủy.
 
Đặc biệt, Khu Di tích lịch sử- văn hóa Plei Ơi nằm ở thôn Plei Ơi- xã Ayun Hạ, được công nhận là Di tích lịch sử- văn hóa cấp Quốc gia năm 1993 theo Quyết định số 281/QĐ-BT của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nơi bảo lưu nhiều giá trị văn hóa, trong đó “Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui” đã được Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia theo Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 8/6/2015. Nơi đây còn bảo tồn được hầu như nguyên vẹn những hiện vật như: Gươm thần, bộ chiêng Ơi Tú, núi Chư Tao Yang; khu nhà mồ Pơtao APuih, khu nhà của người Jrai xưa, khu bến nước… Theo quan niệm của người Jrai, khi con người sinh ra thì vạn vật cũng xuất hiện, lúc này có vị thần ban cho những hạt nước mang lại sự sống cho vạn vật đó là Thần mưa. Vị thần mang lại may mắn, hạnh phúc cho con người. Trong truyền thuyết của người Jrai có 14 đời; vua lửa “Pơtao Apui” đã dùng thanh gươm thần để cầu mưa khi vào mùa trồng tỉa hay đang giữa chu kỳ canh tác mà gặp hạn hán, mất mùa. Cho nên hàng năm, người dân Jrai tiến hành nghi lễ cầu mưa nhằm cầu mong trời đất ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đời sống đồng bào no đủ, mọi người được bình an khỏe mạnh.
Tại đây, du khách tham quan sẽ được trải nghiệm không gian lễ hội linh thiêng, kỳ bí; chứng kiến các vị Pơtao Apui (Vua Lửa) dùng thanh gươm thần để cầu mưa khi sắp vào mùa vụ hoặc đang giữa chu kỳ canh tác mà gặp hạn hán mất mùa; trong tâm niệm của người Jrai, nếu làm phật lòng các vị thần thánh thì sẽ không ban tặng nước mưa, khiến bệnh tật xuất hiện, đói rét triền miên. Bên cạnh đó các chương trình nghệ thuật đặc sắc đang được các đơn vị và bà con Nhân dân gấp rút tập luyện với mong muốn cống hiến cho du khách những màn trình diễn công phu, hấp dẫn và thú vị như: múa Cồng chiêng của người Jarai tại địa phương; trực tiếp tham gia những vũ điệu mời rượu, nhảy sạp đến từ những cô gái vùng Tây Bắc, trò chơi dân gian ném còn của dân tộc Tày….
Đến với Khu du lịch sinh thái Hồ thủy lợi Ayun Hạ, du khách sẽ được chiêm ngưỡng công trình Thủy lợi lớn nhất Tây Nguyên, nằm trên địa bàn thôn Thanh Thượng A, xã Ayun Hạ dưới chân đèo Chư Sê, cách Quốc lộ 25 1km. Với diện tích gần 40 km2 có tổng lưu lượng nước tưới 253 triệu mét khối, cung cấp nguồn thủy lưu dồi dào trên địa bàn huyện Phú Thiện và các vùng lân cận. Nơi đó, du khách sẽ được thưởng ngoạn không gian bao la, trù phú của đồi núi, nước non, hữu tình, thân thiết, được tham quan Nhà máy Thủy điện Ayun Hạ với khuôn viên xanh mát, yên bình. Ngoài ra, mặt hồ còn là nơi tổ chức các hoạt động ca nô, thuyền phục vụ khách tham quan. Bên cạnh đó. Chùa Quang Sơn tọa lạc ở thôn Thanh Thượng A xã Ayun Hạ cách trung tâm hành chính huyện 8 km về hướng Tây, do sư cô Thích Nữ Nguyên Nhứt làm trụ trì, chùa Quang Sơn nằm dưới chân núi được bao quanh bởi rừng cây xanh mát cùng với hệ thống kênh chính Ayun Hạ tạo điểm tựa vững chãi sơn thủy hữu tình, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của người dân thập phương.
Các tổ chức, cá nhân, đơn vị nào có nhu cầu đăng ký tour du lịch theo đoàn hoặc tìm hiểu thêm thông tin về Lễ hội, xin liên hệ Ban tổ chức Lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui tại UBND xã Ayun Hạ vào giờ hành chính các ngày trong tuần (trừ thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ), hoặc gặp trực tiếp ông Rmah Thuyn- Phó Chủ tịch UBND xã Ayun Hạ- Phó Trưởng Ban tổ chức Lễ hội, số điện thoại liên hệ: 0979953017.
                                                                                                                     Lương Thắm
 

Thông tin liên hệ:

  • UBND xã Ayun Hạ - Huyện Phú Thiện - tỉnh Gia Lai
  • Địa chỉ thư công vụ: ayunha.phuthien@gialai.gov.vn
  •  

Thông tin bản quyền:


Chịu trách nhiệm chính: Chủ tịch UBND xã Ayun Hạ.